Điểm Nhấn

Hãy Ghé Thăm

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Ngữ pháp chức năng và ngữ pháp truyền thống

I.DẪN NHẬP
Việc mô tả một cách chính xác cấu trúc cú pháp của một ngôn ngữ là thách thức lớn đối với ngôn ngữ học của nhân loại.Bằng chứng là trong suốt hơn hai ngàn năm qua,kể từ thời Platon,Aristot…ngữ pháp học đã kinh qua rất nhiều những lý thuyết mà dường như tất cả chúng dù đứng riêng rẽ hay gộp lại cũng đều không thể làm hài lòng tất cả những nhà ngôn ngữ học.Sự không hài lòng này không phải do chủ quan của nhà ngôn ngữ mà nằm ở chính bản thân cái tri thức của sự miêu tả ấy.Hay nói cách khác,tính chân lí của những tri thức về ngữ pháp không được đảm bảo.
Đối tượng của ngôn ngữ học là một thực thể khó nắm bắt.Ngôn ngữ nằm ngay trong bản thân con người,và với con người nó dường như không có một khoảng cách nào cả. Đó là một khó khăn.Nhưng cái yêu cầu rằng,nhà ngôn ngữ học phải tách mình ra khỏi đối tượng,quan sát nó như một kẻ lạ mặt lại mới thực sự là một thách thức.Mặt khác,chính tính đa dạng,phức tạp trên tất cả những bình diện ngôn ngữ của hơn 5000 thứ tiếng trên toàn thế giới đã tạo ra một gánh nặng quá lớn,mà cái gánh nặng này nhiều khi hay dẫn đến một sự hiểu lầm nghiêm trọng do những áp đặt và định kiến từ thứ tiếng này cho thứ tiếng khác. Ngữ pháp học cũng không nằm ngoài sự khó khăn này.Sau đây là điểm qua một số những lý thuyết ngôn ngữ (và ngữ pháp) tiêu biểu.(từ lý thuyết được dùng chỉ mang tính tương đối).
Ngữ pháp truyền thống là một tên gọi cho các lý thuyết ngữ pháp giai đoan từ thế kỷ thứ V trước công nguyên xuất phát từ Hi Lạp.Những quan điểm ngữ pháp của giai đoạn này có ảnh hưởng chi phối rất lớn trong suốt hơn hai ngàn năm qua đối với ngôn ngữ học nói chung và ngữ pháp học nói riêng. Đến khi cuốn giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F.D.Saussure ra đời ,năm 1915,ngôn ngữ học thế giới mới thực sự chuyển mình sang một thời đại mới.Dưới ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của học thuyết về tính hê thống của ngôn ngữ của Saussure ba trường phái ngôn ngữ học lớn của thế giới đã ra đời:trường phái miêu tả Mĩ(hay còn gọi là chủ nghĩa phân bố luận),trường phái cấu trúc chức năng luận Praha,trường phái ngữ vị học Copenhague.Các trường phái này(theo Đỗ Hữu Châu) hiện nay đã thay đổi hoặc bị vượt qua nên được gọi là các trường phái cấu trúc luận cổ điển.
Ngữ pháp tạo sinh cải biến của N.Chomsky ra đời đã làm một cuộc cách mạng thứ hai trong ngôn ngữ học(sau cuộc cách mạng thứ nhất do Saussre tiến hành).Lần đầu tiên cơ chế sản sinh của ngôn ngữ đã được giải thích khá tường tận và thuyết phục: sự sản sinh của ngôn ngữ là vô tận để đáp ứng sự vô tận về các nhu cầu giao tiếp rất khác nhau của xã hội loài người. Và, về bản chất thì ngôn ngữ loài người có rất nhiều điểm chung nhau.Người ta đã hi vọng rất nhiều ở Chomsky,nhưng rồi lý thuyết ngôn ngữ học này cũng nhanh chóng đi vào thời kì bế tắc.Nhu cầu tìm một con đường mới cho ngôn ngữ học nói chung và ngữ pháp học nói riêng lại được đặt ra và ngôn ngữ học chức năng đã ra đời như một xu hướng phát triển tự nhiên.Rất nhiều vấn đề lớn của ngôn ngữ học đã được giải quyết.Ngữ pháp học dường như đã tìm thấy cho mình một hướng đi khả dĩ.
Cuối thế kỉ XX,ngôn ngữ học còn đón nhận sự ra đời của nhiều trào lưu khác như:ngữ pháp văn bản,lí thuyết hành động ngôn từ,ngôn ngữ học tri nhận…Cho tới thập niên 70, đơn vị lớn nhất của ngôn ngữ được các nhà ngôn ngữ học xây dựng là câu. Trong trào lưu của các ngữ pháp hình thức (chẳng hạn ngữ pháp Montague), đã nảy sinh giả thuyết liệu có loại ngữ pháp văn bản, khác với ngữ pháp câu, mà đơn vị lớn nhất là văn bản không? Sự ra đời của ngữ pháp văn bản là một bổ sung quan trọng vào lí thuyết ngôn ngữ học đại cương.Tuy nhiên,theo một số nhà ngôn ngữ,”từ ngữ pháp được dùng ở đây đáng thưởng thức về mặt tu từ nhưng không mấy bổ ích với người hoc”(Cao Xuân Hạo),nghĩa là phủ nhận ngữ pháp ở cấp độ văn bản. Quan tâm đến văn hoá học, tâm lí học, xã hội học, các nhà ngôn ngữ học lưu ý rằng đơn vị tối thiểu của ngôn ngữ không phải là từ', biểu thức hay câu, mà là sự tác động: trần thuật, chất vấn, mệnh lệnh, miêu tả, giải thích, xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng…Đó là quan điểm của lí thuyết các hành vi ngôn ngữ.Ngôn ngữ học tri nhận,là một cách tiếp cận mới mẻ và nhiều tiềm năng hứa hẹn.Lí thuyết này mới xuất hiện khoảng hơn hai mươi năm nay. Buổi đầu nó mang tên ngữ pháp không gian (space grammar) mà người khai phá là Ronald W. Langacker. Tâm lí học, triết học cũng nghiên cứu vấn đề về sự tri nhận. Lí thuyết này nghiên cứu cơ chế hiểu lời nói và quá trình của lời nói: con người nắm bắt được ngôn ngữ như thế nào, quá trình điều chỉnh sự tri nhận lời nói như thế nào, một nội dung khái niệm, một hiện tượng được từ ngữ hoá, ngữ pháp hoá ra sao.
Mỗi một lí thuyết ngôn ngữ mới ra đời là một đóng góp to lớn cho sứ mạng hiển ngôn hoá cái đối tượng kì diệu là ngôn ngữ của loài người.Trong khi trình bày lí thuyết ngôn ngữ của mình,các nhà ngôn ngữ học luôn có ý thức so sánh nó với các lí thuyết ngôn ngữ khác,dù có thể chỉ là một cách ẩn mặc.Việc so sánh các lí thuyết ngôn ngữ với nhau để tìm ra sự phát triển, điểm mới mẻ, đồng thời phê phán những sai lạc,trên cơ sở ấy mà ứng dụng những thành tựu của khoa học này vào thực tiễn là một công việc hữu ích.
Ngữ pháp học tiếng Việt, đi cùng với sự phát triển của ngôn ngữ học hế giới cũng phản ánh những kế thừa và đấu tranh này.Những quan điểm ngữ pháp về tiếng Việt cũng có những đối lập gay gắt,tiêu biểu cho sự đối lập này là quan điểm của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng.
II.NỘI DUNG
Ngữ pháp học,như đã trình bày một cách sơ lược nhất,là một bức tranh phong phú.Mỗi lí thuyết là một sự kế thừa ở những mức độ khác các tư tưởng của thời kì trước bên cạnh những phê phán. Điểm khác biệt vì thế mà có thể ít hoặc nhiều.Sự khác biệt khi phát triển lên một giới hạn cao của nó đã đưa đến đối lập,ngữ pháp cấu trúc và ngữ pháp tạo sinh là một ví dụ điển hình.Tuy nhiên,theo Halliday,sự đối lập cơ bản hơn là sự đối lập giữa ngữ pháp mà về cơ bản có thiên hướng mô tả theo ngữ đoạn(nói chung là các sách ngữ pháp có nguồn gốc từ logic)và các sách ngữ pháp mà về cơ bản mô tả theo hệ đối vị(nhìn chung là các sách ngữ pháp có nguồn gốc tu từ hay phép hùng biện và dân tộc học).Loại ngữ pháp thứ nhất giải thích ngôn ngữ như là một danh mục các cấu trúc mà trong chúng,như là một bước khu biệt thứ hai,các mối quan hệ có quy tắc được xác lập(do đó mà có việc giới thiệu các phép chuyển hoá);chúng có xu hướng nhấn mạnh vào các đặc điểm phổ niệm của ngôn ngữ,xem ngữ pháp(mà họ gọi là cú pháp)như là cơ sở của ngôn ngữ(do đó ngữ pháp là võ đoán),và coi ngữ pháp được tổ chức xung quanh đơn vị câu.Loại ngữ pháp sau giải thích ngôn ngữ như là một hệ thống các mối quan hệ,với cấu trúc xuất hiện như là sự hiện thực hoá các mối quan hệ này;chúng có xu hướng nhấn mạnh vào các biến số giữa các ngôn ngữ khác nhau,lấy ngữ nghĩa làm cơ sở(do đó ngữ pháp là tự nhiên) và vì vậy chúng được tổ chức xung quanh ngôn bản hay văn bản.Có rất nhiều sự giao thoa ,với tri thức được hai đường hướng này vay mượn của nhau;nhưng về tư tưởng thì chúng hoàn toàn khác nhau và thường thì người ta rất khó duy trì đối thoại được với nhau (Halliday,dẫn luận ngữ pháp chức năng).Những đặc điểm của loại thứ nhất được phản ánh một cách sâu đậm nhất trong ngữ pháp truyền thống;những đặc điển của loại thứ hai tập trung trong ngữ pháp chức năng.
Ngữ pháp truyền thống không phải là thuật ngữ khoa học hay tên của một lí thuyết ngữ pháp nào.Nó là tên của một giai đoạn tồn tại không chỉ một mà nhiều quan điểm và lí thuyết ngữ pháp. Đó là giai đoạn từ Platon,Aristot…thế kỉ thứ V trước công nguyên đến 1915 khi cuốn giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure ra đời.Và cái tên này dần dần đã được dùng để chỉ những quan điển ngữ pháp thuộc loại thứ nhất mà Halliday đã nêu ra.Trong công trình nhập môn ngôn ngữ học lí thuyết của mình John Lyons đã dùng tên ngữ pháp truyền thống để gọi tất cả ngữ pháp của giai đoan Alexandria, ngữ pháp Hi Lap,ngữ pháp giai đoạn La Mã,giai đoạn trung cổ,thời kì phục hưng và sau đó.Ngày nay người ta dùng ngữ pháp truyền thống như một khái niện chứ không phải đơn thuần là một tên gọi chỉ một giai đoạn nữa.Sở dĩ như vậy là vì,tuy những lí thuyết trong giai đoan truyền thống có nhiều nhưng tất cả chúng đều gặp nhau ở một điểm chung cơ bản và lớn nhất làm thành một đặc trưng tiêu biểu đó là sự đồng nhất ngữ pháp và logic.John Lyons trong công trình vừa dẫn trên đã dành hẳn một mục mà vỏn vẹn chỉ có chưa tới sáu dòng để nói về nguồn gốc triết học của ngữ pháp truyền thống: “ngữ pháp truyền thống cũng như nhiều truyền thống kinh viện khác của chúng ta,xuất phát từ Hi Lạp ở thế kỉ V trước công nguyên. Đối với người Hi Lạp ,ngữ pháp thoạt đầu là một bộ phận của triết học.Nghĩa là nó là một bộ phận trong toàn bộ nghiên cứu của họ về bản chất của thế giới xung quanh họ và của những thiết chế xã hội của riêng họ”.Hẳn là không phải ngẫu nhiên cho một sự thiên vị như thế này.Cái côt lõi làm nên bản chất của ngữ pháp truyền thống chính bởi nguồn gốc triết học của nó.Và gần hơn một chút là logic học.
Logic học là khoa học về các hình thức và các quy luật của tư duy dẫn đến chân lí.Mệnh đề là một đơn vị hay hình thức của tư duy,mỗi mệnh đề là một nhận định nhằm phản ánh một sự thể nào đó của thế giới từ một nhãn giác nhất định,về một đối tượng nhất định và trong một phạm vi nhất định.vì vậy một câu nói bình thường phải phản ánh nội dung của sự nhận định và đối tượng của nó.Aristot đã phân biệt hai phần của một nhận định đó là:nội dung của sự nhận định,hay điều được nói ra,về sau được dịch sang tiếng La Tinh là praedicatum(sở thuyết);phần đối tượng được gọi là onoma,hay hypo-kêimenon (về sau được dịch sang tiếng La Tinh là subjectum,tên,cái được đề ra,tức sở đề).Và từ đó các học giả của các thời đại tiếp theo đã không phân biệt tư duy và ngôn ngữ,dùng các từ trên cho cả logic và ngữ pháp.Một bằng chứng cụ thể là ngày nay tiếng Anh vẫn dung từ subject để chỉ chủ ngữ của câu.Các nhà logic và ngữ pháp hình dung rằng câu phản ánh mệnh đề bằng cái cấu trúc chủ-vị của nó.tức là một cấu trúc tương hợp với cấu trúc của một nhận định.Trong những ngôn ngữ chuyên dùng những phương tiện hình thái học để biểu hiện các quan hệ cú pháp,luôn có một vị từ biểu thị sở thuyết của mệnh đề ở vào một hình thái hữu tận mang những dấu hiệu cho thấy sự phù ứng về một vài đặc trưng về nghĩa đã được ngữ pháp hoá như “ngôi ,sô” giữa nó với một danh ngữ biểu thị chủ đề của một mệnh đề mang một hình thức “cách” nhất định để phân biệt nó với các danh ngữ khác không phải là chủ đề.Nhưng đây là một cách hình dung sai lầm.Trong các ngôn ngữ châu Âu,ta thấy chủ ngữ của câu rất hay trùng với chủ đề của nhận định,nhưng sự trùng hợp này không phải là tất cả.Mặt khác,ngay cả sự trùng hợp này có chiếm một số lượng lớn đến mấy đi nữa thì đó cũng không phải là một hiện tượng có tính quy luật.It rain là một ví dụ như thế.It ở đây hoàn toàn không phải là chủ của rain ,trong khi đó câu trên vẫn là một nhận định.Những ví dụ tương tự như thế trong tiếng Anh ta luôn gặp.Trong các ngôn ngữ biến hình như tiéng Anh,Nga,Phap…mối quan hệ giữa chủ ngữ và vị ngữ chỉ là một mối quan hệ thuần tuý hình thức.Việc tìm ra đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong các thứ tiếng này là rất dễ dàng.Ta chỉ việc quan sát xem danh ngữ và vị từ nào tương hợp với nhau về hình thái là có thể đưa ra kết luận mà không sợ bị nhầm lẫn.
Một mô hình câu thuần tuý hình thức như vậy may ra chỉ phù hợp với các ngôn ngữ biến hình lại được người ta coi là một cấu trúc mang tính phổ niệm cho tất cả ngôn ngữ của nhân loại.Và từ đó mang mang áp dụng cái cấu trúc ấy vào phân tích cú pháp của những ngôn ngữ thuộc nhưng loại hình ngôn ngữ đối lập.Tiếng Việt đã phải chịu cái hậu quả này cho tới tận bây giờ.Theo thống kê,trong tiếng Việt số lượng những câu có thể phân tích theo cấu trúc chủ-vị chỉ chiếm khoảng dưới 15% tổng số câu.Mà có lẽ nếu theo đúng tinh thần của chủ-vị thì sẽ không thể có một câu nào như thế bởi trong tiếng Việt không thể tìm thấy một câu nào có danh ngữ tương hợp với động từ bằng những phương tiện hình thức được đánh dấu cả.Vậy cấu trúc của câu tiếng Việt thuộc mô hình nào?
Ngôn ngữ học sau những cuộc cách mạng của nó dường như vẫn không thể làm tròn cái nhiệm vụ là miêu tả đầy đủ và hiển ngôn tất cả những biểu hiện hình thức của ngôn ngữ.Và chắc chắn rằng không bao giờ ngôn ngữ học có thể làm nổi việc ấy,bởi những biến thể cá nhân của ngôn ngữ là vô cùng tận.Ngôn ngữ học chức năng ra đời với một hướng đi mới,nằm trong khả năng của con người,và có phần hữu ích hơn đó là xuất phát từ mục đích của ngôn ngữ.Ngôn ngữ ra đời là để phục vụ cho mục đích giao tiếp của loài người. Đó là chức năng của nó. Để thục hiện chức năng này ngôn ngữ phải mang trong mình nó một ý nghĩa nào đó.Một câu nói nếu không mang nghĩa thì không bao giờ có thể có một tác dụng giao tiếp nào theo ý muốn của người nói. Để chuyển tải cái ý nghĩa này thì một câu nói phải được cấu trúc như thế nào đó để tương hợp với nó.Ngữ pháp chức năng lấy điểm này làm cơ sở cho mình. “Ngôn ngữ được giải thích như là một hệ thống các ý nghĩa, được kèm theo bởi các hình thức mà qua đó các ý nghĩa được hiện thực hoá”, (Halliday,dẫn luận ngữ pháp chức năng).Câu hỏi thể hiện bản chất của ngữ pháp chức năng là “Các ý nghĩa được diễn đạt như thế nao?” (Halliday).Ngữ pháp chức năng là ngữ pháp được đẩy về phía nghĩa.Nó là một kiểu ngữ pháp dựa trên sự lụa chọn chứ không phải là kiểu ngữ pháp dựa vào chuỗi (theo hệ đối vị chứ không phải theo hệ ngữ đoạn trong tổ chức khái niện của nó).Mối quan hệ giữa ngữ nghĩa và ngữ pháp là mối quan hệ hiên thực hoá.Cao Xuân Hạo trong công trình Tiếng Việt-sơ thảo ngữ pháp chức năng đã nhận định : “Thoạt tiên có những nhu cầu thực tiễn của giao tế xã hội đặt ra cho con người những nhiện vụ trao đổi và thông báo cần được thực hiện bằng những phương tiện ngôn ngữ,nghĩa là bằng những phát ngôn,và công việc của ngôn ngữ học là tìm hiểu xem những nhiệm vụ ấy được thực hiện bằng những phát ngôn nào,xem có những quy tắc gì chi phối việc sử dụng những phát ngôn ấy,và những quy tắc gì chi phối việc cấu tạo những những phát ngôn ấy.”Việc đi ngược trở lại từ mục đích(nghĩa) đến phương tiện để bổ sung cho viêc miêu tả hình thức hoàn toàn phù hợp với quan niệm hiện đại về tính phổ quát của cách tư duy của con người và do đó cũng là của những nội dung ý nghĩa mà ngôn ngữ nào cũng có cách biểu hiện. (CaoXuân Hạo).Vậy chức năng (mục đích,nghĩa) của ngôn ngữ là gi? Theo Halliday, ngôn ngữ có 3 chức năng lớn:
a- Chức năng ý niệm, tư tưởng là chức năng thể hiện các thông tin thuần lí của ngôn ngữ trong thông điệp của giao tiếp ngôn ngữ, truyền đạt những thông tin mới,chia sẻ những nội dung mà người nghe chưa biết.Chức năng này hiện diện trong tất cả các ngôn ngữ. Nghĩa là, các thông tin phản ánh thực tại, các sự kiện xảy ra trong đời sống mà chúng ta muốn giao tiếp.
b- Chức năng liên nhân: nối kết các thành viên trong cộng đồng nói năng lại với nhau thành một khối. Đây là chức năng mà từ 1970 trở lại đây thường được ngôn ngữ học nhắc tới do sự thành công của ngôn ngữ học tộc người và ngôn ngữ học xã hội. Trong một giao tiếp cụ thể, để thực hiện được các ý định giao tiếp của mình, người nói cần thiết phải bộc lộ mình qua ngôn ngữ với một thái độ trung thực. Nghĩa là, người nói phải thể hiện được các đặc điểm về cá nhân, giai tầng xã hội mà mình thuộc về, vùng ngữ vực mà mình và giai cấp mình ưa sử dụng.Chức năng này được thể hiện thông qua hệ thống thức và hệ thống tình thái
Chức năng liên nhân là chức năng mang tính xã hội rõ nhất vì bản chất ngôn ngữ, suy cho cùng, là làm mối dây liên hệ giữa người với người trong một cộng đồng đã được xác định.
c- Chức năng ngôn bản : đây là chức năng mang tính ngữ pháp văn bản rất rõ, các từ không thể rời rạc mà phải nối kết với nhau để tạo thành sức mạnh, đó là sức mạnh của hiệu lực lời nói. Để đạt được hiệu lực này, ngoài vài luật ngữ pháp quy định về các quan hệ cú pháp đặc thù cho một ngôn ngữ thì chúng ta còn phải sử dụng rất nhiều các nhân tố khác nhau để kết liên các từ lại thành một khối.Chức năng ngôn bản đề cập đến việc ngôn ngữ có cơ chế làm cho một bản thuyết trình ở dạng nói hoặc dạng viết thành một văn bản mạch lạc và nhất quán,tạo ra một thông điệp sống động khác với một tập hợp câu văn tuỳ tiện.
Các quan điểm về chức năng của ngôn ngữ được các nhà ngôn ngữ học nêu ra rất phong phú ta có thể kể them quan niệm của G. Brown & G. Yule: Discourse Analysis (Phân tích diễn ngôn).Hai tác giả đã phát biểu một cách đơn giản hơn về các chức năng ngôn ngữ. Nói một cách khái quát thì ngôn ngữ có hai chức năng chính là:
- Transactional function (chức năng liên giao)
- Interactional function (chức năng tương tác)
Ngữ pháp chức năng của Halliday quan niệm rằng câu là nơi cả ba bình diện của nghĩa đều được thực hiện, mỗi chức năng sẽ được thể hiện ra bằng một mô hình cú pháp đặc trưng.Theo đó,chức năng ý niệm,tư tưởng có vị thế tương ứng của cú là:cú như là sự thể hiện, cấu trúc cú pháp của nó là chủ ngữ-thành phần hữu định;chức năng liên nhân-cú như là sự trao đổi có cấu trúc cú pháp của nó là các quá trình,tham thể và chu cảnh ;chức năng ngôn bản-cú như là một thông điệp có cấu trúc cú pháp tương ứng là đề ngữ-thuyết ngữ.Như vậy một câu có thể đồng thời có ba mô hình cấu trúc không tương hợp với nhau về các đơn vị ngôn ngữ trên trục hình tuyến.Ví dụ sau đây được Halliday nêu ra:

This teapot myaunt was given by the duke
Đề ngữ chủ ngữ Hành thể
Các ngôn ngữ trên thế giới,tuỳ theo đặc điểm của mình mà có thể là một ngôn ngữ thiên chủ đề (tiếng Hán,tiếng Việt) hoặc thiên chủ ngữ (tiếng Anh ,tiếng Pháp,tiếng Nga),hoặc có thể nằm ở trung gian của hai loại này ( như tiếng Nhật).
Cái sách lược mà ngôn ngữ sử dụng để thực hiện chức năng giao tiếp của mình là đưa ra một nhận định,tức thực hiện một mệnh đề.Mệnh đề này bằng cái giá trị nghĩa của nó tác động đến người đối thoại theo những hướng nhất định.Với những ngôn ngữ thiên chủ đề như tiếng Việt thì cấu trúc của câu phản ánh nguyên vẹn,chân thực cấu trúc của mệnh đề.Tức một bên là cấu trúc sở đề-sở thuyết một bên là đề ngữ-thuyết ngữ.
Phân tích câu theo hướng của ngữ pháp chức năng là phản ánh đúng thực chất của cấu tạo của câu tiếng Việt.Nó cho phép giải quyết hầu hết những loại câu mà ngữ pháp truyền thống cho là câu đặc biệt,câu sai ngữ pháp,câu đảo trật tự cú pháp và những loại câu không biết xếp vaò hình thức câu nào.
Ngữ pháp truyền thống khi đối mặt với những hiện tượng ngôn ngữ sống động của tiếng Việt đã buộc phải bộc lộ tất cả những bất lực, phi lí và gò ép của nó.Nhưng vì sao ngữ pháp chức năng với tính chân lí khoa học và giá trị thực tiễn như vậy lại không được dùng để miêu tả ngữ pháp tiếng Việt một cách chính thức?Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về xã hội còn có những vấn đề nằm ngay trong bản thân của ngôn ngữ học.Vì chấp nhận cách phân tích cú/câu tiếng Việt theo cấu trúc đề -thuyết nhưng lại loại bỏ hoàn toàn cấu trúc chủ -vị và các chức năng cú pháp truyền thống như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ…ra khỏi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chưa hẳn là một giải pháp thỏa đáng, đặc biệt khi xem xét vấn đề dưới góc độ loại hình và phổ niệm ngôn ngữ. Bởi vì, thứ nhất, giải pháp này vạch ra một ranh giới quá rạch ròi, thậm chí gần như đối lập giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ được coi là chỉ có chủ đề mà không có chủ ngữ với các ngôn ngữ chỉ có chủ ngữ mà không có chủ đề, một sự đối lập mà ngay cả các tác giả đề xuất phân biệt các loại hình “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề” cũng chưa nói tới. Thứ hai, nếu xem xét cấu trúc chủ -vị dưới góc độ lí thuyết điển mẫu, có thể thấy rằng có hàng loạt các câu tiếng Việt tương ứng với câu có cấu trúc chủ -vị trong các ngôn ngữ khác, mặc dù giữa chúng có thể khác nhau về hình thức đánh dấu hay trật tự từ, và đó chính là cơ sở cho các nghiên cứu về loại hình học hình thái cách (phân biệt các ngôn ngữ đối cách với các ngôn ngữ khiển cách, tuyệt cách, tam phân hay trung hòa) hay loại hình trật tự từ (phân biệt các ngôn ngữ SVO, SOV, VOS, v.v) mà tiếng Việt không phải là một ngoại lệ về mặt loại hình. Thứ ba, nếu đối lập một cách triệt để cách phân tích cú pháp câu tiếng Việt với câu của các ngôn ngữ khác sẽ tạo ra những khó khăn nhất định về mặt ứng dụng, đặc biệt là trong việc dạy và học ngoại ngữ cũng như dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Từ những vấn đề trên,nhiều tác giả đã đi đến những biện pháp khác nhau nhàm tìm ra một cách giải quyết hợp lí nhất cho phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt. Vừa tiếp thu lí luận ngôn ngữ học hiện đại và Đông phương học quốc tế vừa không bài xích các khái niệm ngôn ngữ đã được dùng để miêu tả tiếng Việt trước đó, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp đã cố gắng nêu một giải pháp nhất quán và chặt chẽ về "Thành phần câu tiếng Việt" (1998). Theo giải pháp này, các thành phần câu tiếng Việt được phân xuất và nhận diện trên cả hai bình diện nội dung và hình thức. Giải pháp này cũng cho phép thấy được tính "lập thể", đa chiều kích của câu, phân biệt nòng cốt câu (lõi câu) với các thành phần phụ. Trong một thử nghiệm gần đây nhất, Diệp Quang Ban (2004) đã áp dụng mô hình ngữ pháp chức năng của Halliday (1985) để phân tích câu tiếng Việt theo ba chức năng ( chức năng kinh nghiệm, chức năng liên nhân và chức năng văn bản). Trong công trình này, lần đầu tiên, tác giả đề cập đến vấn đề thức của câu tiếng Việt. Sự phân tích của Diệp Quang Ban về các loại cấu trúc khác nhau của câu tiếng Việt: cấu trúc cú pháp, cấu trúc nghĩa biểu hiện (chức năng biểu hiện), cấu trúc thức (chức năng liên nhân), cấu trúc đề (chức năng văn bản) là một hướng thử ngiệm toàn diện lí thuyết ngữ pháp chức năng của Halliday vào tiếng Việt.Nguyễn Hồng Cổn lại có một cách tiếp cận khác.sau khi phân biệt câu và cú, ông áp dụng cấu trúc cú pháp chủ-vị- cho cú và cấu trúc đề-thuyết cho câu.Những cố gắng này nhìn chung đều muốn dung hoà hai quan điểm về cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt.
Việt Nam không thực sự trải qua lí thuyết ngữ pháp “miêu tả”,ngữ pháp “tạo sinh” để thấy hết những bất lực của ngữ pháp hình thức ở trình độ cao nhất của nó.Do đó,ngữ pháp truyền thống,mà thực chất cũng là ngữ pháp hình thức, đã không bị tẩy chay một cách quyết liệt. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc người ta không được chứng kiến một cuộc mang nặng đẻ đau của ngữ pháp chức năng.Ngữ pháp chức năng vì thế mà không được chào đón một cách nồng nhiệt và cũng thấy hết được giá trị của nó.

III.KẾT LUẬN
Tiếng Việt và các ngôn ngữ biến hình của châu Âu thuộc hai loại hình khác nhau,nếu không nói là đối lập nhau.Việc dùng mô hình cấu trúc cú pháp câu của một ngôn ngữ xa lạ đến như thế để gò câu tiếng Việt vào là một điều vô lí.Cái kết cấu chủ-vị chỉ có được ở nhưng ngôn ngữ không bình thường,nơi mà cấu trúc cú pháp không tương ứng với câu trúc của mệnh đề.Các nhà ngôn ngữ học cũng không thể hiểu vì sao ngôn ngữ không dung ngay cái cấu trúc phản ánh cấu trúc mệnh đề để thực hiện một hành động nhận định mà lại chọn một con đường vòng. “khó lòng mà hiểu được một sự hoang phi đến như thế).(Cao Xuân Hạo).Tuy nhiên đó là một sự thật và ngôn ngữ học phải luôn quán triệt quan điển đi từ thực tế ngôn ngữ sinh động của một ngôn ngữ đến những kết luận chứ không phải là dung những tri thức của ngôn ngữ này áp đặt cho ngôn ngữ kia,tiêu biểu như tinh thần “dĩ Âu vi trung” đối với tiếng việt trong suốt lịch sử của khao học về tiếng Việt
Cuộc đấu tranh của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng có lẽ sẽ không chấp nhận một giải pháp thoả hiệp như vậy.Khi nào những vấn đề còn tồn tại của ngữ pháp chức năng được giải quyết thì nó tất phải có được địa vị xứng đáng cho mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét