Điểm Nhấn

Hãy Ghé Thăm

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Đi Tìm Bóng Chữ Trên Hình Tuyến Thơ Lê Đạt

A.PHẦN MỞ ĐẦU

Thơ hậu hiện đại là một thách thức với những nhà phê bình.Phương pháp phân tích truyền thống sẽ bất lực trước những cách tân to lớn và đột phá của những nhà cách mạng thơ táo bạo và tài năng.Việc áp dụng những thủ pháp phù hợp để chiếm lĩnh cái thế giới đầy hương sắc, mộng mị và huyền ảo này là một yêu cầu đang được đặt ra một cách cấp bách.Dùng cái nhìn ngôn ngữ học để soi sáng cho thơ là một việc làm hợp lẽ.Một nguyên lí có tính chất tiên đề: ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, dường như không ai là không thừa nhận.Nhưng thừa nhận điều ấy không có nghĩa là họ vì thế mà làm việc trên tình thần của nó.Cái nhìn chủ quan cảm tính, áp đặt vẫn còn vô số.Thơ Lê Đạt,thơ của bóng chữ, do đó mà là một thế giới đa chiều kích đòi hỏi phải được soi sáng bằng con mắt của ngôn ngữ học.
Thơ Lê Đạt,một miền đất mầu mỡ, hoang sơ mà dường như mới có rất ít dấu chân người đến khai phá.Nguyên nhân chính không phải nằm ở thế giới thơ ông mà một điều trái ngang là nó do những vấn đề ngoài nghệ thuật trói buộc.Vào giữa thập niên 50 của thế kỉ XX,phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do một số nhà thơ tài hoa như Hoàng Cầm,Phùng Quán,Trần Dần,tác giả của Tiến quân ca-Văn Cao và tru cột là Lê Đạt khởi xướng.Nhân Văn-Giai Phẩm đòi cách tân nghệ thuật và lên tiếng đòi cấp cho nghệ thuật một căn nhà riêng nhưng những đòi hỏi chính đáng đó đã bị coi là phản động và những nhà Nhân Văn-Giai Phẩm đã phải chịu một cái án oan khuất trong suốt ba mươi năm.Những tác phẩm nghệ thuật ,do đó không được thừa nhận.Không một nhà phê bình nào giám đi vào khu vườn thơ ca ấy mà hái quả ngọt.Năm 1988, Lê Đạt được nhà nước cho xuất bản trở lại. Năm 2008, 4 nhà thơ tiêu biểu của Nhân Văn-Giai Phẩm là Lê Đạt, Trần Dần, phùng Quán,Hoàng Cầm được trao giải thưởng nhà nước vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp cách tân nghệ thuật nước nhà. Đó là một đền bù cho những nỗi đau mà các nhà thơ đã phải chịu.Và từ đây thơ họ mới được khám phá một cách muộn màng. Đi vào vùng đất mới mẻ này người ta thục sự thấy ngỡ ngàng trước những đổi mới lớn lao của thơ. Lê Đat là một trong những người đi đầu như thế.Tuy nhiên do những nguyên nhân như đã nêu trên mà thơ họ chưa được khai thác bao nhiêu.Và cũng do đó mà những công trình viết về thơ của Nhân Văn-Giai Phẩm nói chung và Lê Đạt nói riêng còn rất hạn chế.Những người đã từng viết về thơ Lê Đạt có thể kể như: Đỗ Lai Thuý, Văn Cầm Hải, Võ Thị Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Nam Dao…Nhưng nhìn chung đó chỉ mới là những bài viết nhỏ, những nhận xét có tính chất tình cảm nhiều hơn (trừ Đỗ Lai Thuý).
Sự nghiệp sáng tác của Lê Đạt rất phong phú,bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết thơ…Trước và trong giai đoạn Nhân Văn-Giai Phẩm Lê Đạt đã xuất bản nhiều tác phẩm,có những bài thơ ngùn ngụt tinh thần cách mạng, thơ ca ngợi lãnh tụ. Rồi nhanh chóng thơ ông chuyển sang Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu,Giai phẩm mùa đông những bài thơ theo tinh thần Giai phẩm xuất hiện rất nhiều trên báo,cửa hàng Lê Đạt cũng được sắp chữ nhưng chưa kịp cho ra mắt bạn đọc.Sau thời gian nổi nênh này Lê Đạt buộc phải gác bút suốt ba mươi năm.Từ 1988 đến 2008, Lê Đạt đã cho ra mắt những tác phẩm như bóng chữ (1994), đánh dấu sự trở lại đồng thời xác nhận ông như một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam hiện đại.
Tiếp đến là những tác phẩm:hèn đại nhân(truyện ngắn,nxb phụ nữ),ngó lời (nxb văn học),từ tình Epphen(tạp chí thơ,cali,1998),mi là người bình thường(truyện ngắn,nxb phụ nữ 2007), đường chữ, ra đời sau khi ông mất (tuyển tập,nxb hội nhà văn,Bách Việt 2009).Sụ nghiệp của Lê Đạt rất phong phú nhưng trong khuôn khổ của mình, đề tài chỉ khảo sát với tập bóng chữ,tập thơ gây dư luận, dư vang và dư âm mạnh mẽ nhất.
Ở những tác phẩm nghệ thuật giá trị thì việc thống kê và phân tích cho hết những thủ pháp mà nó vận dụng là một việc làm khó khắn.Những trang thơ của Lê Đạt là đại diện cho tinh thần đổi mới, cho sự tim tòi và vận dụng những thủ pháp mới nhất của thi ca thế giới nên việc khảo sát nó một cách toàn diện phải cần một công trình quy mô và dài hơi.Bài tiểu luận, đứng từ góc nhìn ngôn ngữ học,mà cụ thể là lí thuyết về mối quan hệ cơ bản của ngôn ngữ,quan hệ hình tuyến, để khám phá một khía cạnh nghệ thuật trong thế giới đa ngôn của thơ Lê Đạt.

B.NỘI DUNG

1.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÍ THUYẾT

Phân tích thơ từ góc nhìn của lý thuyết về mối quan hệ hình tuyến của ngôn ngữ nhưng cần phải nói về những cơ sở và xuất phát điểm của lí thuyết này.
Ngôn ngữ là một hệ thống. Theo cách hiểu chung, "hệ thống" là một thể thống nhất bao gồm các các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau. Mỗi đối tượng trọn vẹn làm một hệ thống, chẳng hạn: một cái cây, một con vật, một gia đình v.v... Nói đến hệ thống, cần phải nói đến hai điều kiện: a) Tập hợp các yếu tố; b) Những mối quan hệ và liên hệ lẫn nhau giữa các yếu tố đó. Cần phân biệt hệ thống với những tập hợp ngẫu nhiên các yếu tố không có quan hệ tất yếu nào đối với nhau. Một đống củi cũng gồm rễ cây, thân cây, cành cây, lá cây... không tạo thành cái cây (hệ thống) mà chỉ là đống củi. Vài ba người ghép lại ở với nhau cũng không thành gia đình, bởi vì họ thiếu những quan hệ thuộc về gia đình.(Nguyễn Thiện Giáp,Dẫn luận ngôn ngữ học)
Khái niệm hệ thống gắn bó chặt chẽ với khái niệm "kết cấu". Nếu hệ thống là một thể thống nhất bao gồm các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau thì kết cấu là tổng thể các mối quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố của thể thống nhất đó. Như vậy, kết cấu không nằm ngoài hệ thống. Đã là hệ thống thì phải có kết cấu.
Hai mối quan hệ chủ yếu và quan trọng nhất của ngôn ngữ là quan hệ liên tưởng và quan hệ kết hợp.Ngay từ năm 1913, F. de Saussure đã trình bày lí thuyết ngôn ngữ học dựa trên 4 đối lập chính sau đây:
- Ngôn ngữ và lời nói;
- Đồng đại và lịch đại;
- Trục dọc và trục ngang;
- Nội ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ
Trục ngang còn được gọi là trục kết hợp. Theo nguyên lí của Saussure, sự kết hợp các yếu tố ngôn ngữ theo trục ngang tạo nên thông điệp. Nguyên tắc quan trọng nhất là khi các yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau thì chúng phải khác nhau. Chúng ta gọi đó là nguyên lí tương phản. Nguyên lí này là sự biểu hiện của ngôn ngữ trong lời nói, các yếu tố ngôn ngữ không thể xếp chồng lên nhau mà chúng phải dàn ra theo hình tuyến .
Khi các yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau theo quy luật tuyến tính thì chúng tạo nên các chuỗi yếu tố. Những chuỗi này được hiện thực hoá trong việc tạo nên các dạng thể lời nói khác nhau trong giao tiếp.
Các yếu tố đứng ở trong trục dọc (nằm trong các thế đối lập) trong một thời điểm chỉ có một yếu tố xuất hiện. Còn ở trục ngang, các yếu tố được liên kết với nhau để tạo nên các cấu trúc lớn hơn cả về lượng lẫn chất. Yêu cầu của các yếu tố nằm trong thế đối lập (ở trục dọc/ trục đối vị) là đồng chất với nhau, còn ở trục ngang thì ngược lại, các yếu tố ngôn ngữ phải khác nhau về chất thì mới có thể kết hợp được. Chính vì vậy, các yếu tố của trục ngang là hiện thân của tương phản hay thế tương phản. Chúng càng khác nhau thì khả năng kết cấu của chúng càng bền chặt.
Ngôn ngữ là một hệ thống nhiều cấp độ,nhiều tầng bậc.Quan hệ kết hợp được thực hiện trong tất cả những cấp độ này. Ân vị sẽ kết hợp với âm vị,hình vị kết hợp với hình vị.Ở cấp độ từ (trong tiếng Việt chẳng hạn) khi 2 hình vị đứng cạnh nhau, chúng sẽ được kết hợp với nhau theo các luật cấu tạo từ của tiếng Việt. Ví dụ: Nếu 2 yếu tố đứng cạnh nhau có quan hệ ngữ âm với nhau thì chúng sẽ tạo nên các từ láy (ví dụ: đo đỏ, châu chấu)... Nếu 2 hình tiết đứng cạnh nhau có quan hệ về mặt ngữ nghĩa, chúng sẽ tạo nên từ đẳng lập, hoặc từ chính phụ (ví dụ: nhà cửa, dưa bở)... Nếu hai hình tiết đứng cạnh nhau không có quan hệ về ngữ âm hay ngữ nghĩa mà chúng lại nằm trong cấu trúc từ (một đơn vị hình thanh) thì chúng tạo nên các từ ngẫu kết (ví dụ: bồ hóng, bù nhìn)...
Ở cấp độ cú pháp học, hiện thân của quan hệ ngang là các quan hệ cú pháp. Ngôn ngữ học từ trước đến nay chia các quan hệ cú pháp thành 3 loại sau:
- Nếu 2 yếu tố cú pháp đứng cạnh nhau, độc lập hoàn toàn với nhau thì chúng nằm trong quan hệ đẳng lập.
- Nếu 2 yếu tố cú pháp đứng cạnh nhau nhưng lại thiết lập nên quan hệ có CHÍNH là trung tâm, có PHỤ là ngoại biên, tức là 2 yếu tố có quan hệ phụ thuộc mà ở đó trong cương vị cú pháp của riêng mình thành phần chính sẽ là thành phần đại diện cho cả cấu trúc. Người ta có thể lược bỏ thành phần phụ mà không ảnh hưởng gì. Thành phần chính trong cương vị cú pháp của mình quyết định toàn bộ đặc điểm cấu trúc ấy.
- Nếu hai thành tố cú pháp không thuộc phạm vi hai loại kể trên thì có khả năng là:
+ Cả hai yếu tố đều có tác động đến nhau: lực kết cấu là như nhau;
+ Không thể lược bỏ được một trong hai yếu tố mà không làm ảnh hưởng tới chức năng cũng như đặc điểm của cấu trúc.
Mối quan hệ như trên được gọi là quan hệ vị tính (quan hệ vị từ) – mối quan hệ quan trọng nhất khi xác định tư cách độc lập của phát ngôn ở bình diện cú pháp.
Mối quan hệ vừa trình bày là quan hệ chuẩn trong ngôn ngữ giao tiếp.Trong thơ ca tình hình lại không như vậy.Quan hệ trên trục kết hợp trong thơ là quan hệ phi chuẩn,quan hệ kết hợp bất thường.Và chính sự bất thường này đã tạo ra giá trị thẩm mĩ cho thơ.Một kết hợp mới mẻ có thể chuyên chở được rất nhiều ý nghĩa,tạo ra những chiều kích không gian, thời gian rộng lớn;những sự liên tưởng sâu xa và huyền diệu. Đôi khi chỉ một kết hợp giữa hai từ ngữ bình thường bỗng trở nên không thể nắm bắt hết ý nghĩa sâu xa và giá trị mĩ học của chúng.
Đến đây cần phải nêu ra một nhận định của Cao Xuân Hạo: Trong ngôn ngữ học truyền thống, khi nói đến nghĩa người thường chỉ nghĩ đến nghĩa của các từ.Các sách nghĩa học cũ thường chỉ bàn đến thứ nghĩa đó mà thôi, chứ không thấy cần phải phân tích nghĩa của câu, vì nghĩ rằng nó chẳng qua là nghĩa của các từ kết hợp lại mà thành.Thật ra, nếu nói cho thật nghiêm ngặt, từ tách ra khỏi câu, nghĩa là tách ra khỏi cách dùng của nó trong lời nói, không thể có nghĩa gì hết.Cái mà người ta gọi là nghĩa của từ(như giải thích trong từ điển) thật ra là nghĩa của những câu chỉ gồm có mỗi một từ ấy và là cái khả năng của từ ấy được dung để chỉ(để gọi tên) những sự vật nhất định.(Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt-sơ thảo ngữ pháp chức năng, tr18).Như vậy, mỗi từ là một khối năng lượng đang ở dạng thế năng.Năng lượng của nó sẽ được giải phóng ở mức độ nào là do sự quyết định không phải bởi bản thân nó mà ở sự kết hợp của nó với những từ ngữ nào khác.Một từ ngữ có thể chỉ là một hòn sỏi, nhưng cũng có thể trở thành một viên đạn,thậm chí là một trái bom.Và nó thực sự trở thành cái gì là do mối quan hệ trên trục kết hợp quyết định.

2.NHỮNG KẾT HỢP ĐỘC ĐÁO

Việc đi tìm những kết hợp độc đáo trong thơ Lê Đạt không phải là một vấn đề đòi hỏi nhiều công sức,nếu không muốn nói là một việc làm dễ dàng.Bởi lẽ,trong thơ ông ở đâu ta cũng gặp những kết hợp bất ngờ.Trong bất cứ bài thơ nào của bóng chữ, những kết hợp không bình thường của chữ luôn luôn xuất hiện như một lẽ tự nhiên của thơ.
Áo trắng
Áo trắng bước bồng bềnh mây trắng
Trời sáng ngần thân phố khỏa xuân

Tóc phố
Chấp chới đèn lên tóc phố
Gáy nêông chiều lả liễu lam bay

Mộng cũ
Tình đổi tiền quầy tim xưa đóng cửa
Mộng cũ dăm đồng Âm phủ gió xua

Trêu ngươi
Mi liễu buông mành
Ngươi cứ trêu xanh

Tấm chữ
Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngõ mộng
Bước thị thơm chân chữ động em về

Vải Thanh Hà
Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa


ANH Ở LẠI
Nắng rũ áo mộng đò neo bến nhổ
Lá bỏ cành trời rứt én xanh lìa cây
Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ
Ga Vọng
thu khuya ai xổ một hồi còi
Anh ở lại phố nghèo
xuân biết má hồng xiêm em ngọt
Quả môi thơm đầu mùa
Vườn ổi hương
chim thương thường đến ăn hạt nhớ…

HỒ XUÂN HƯƠNG
Xuân chẳng buông hương
sao bướm vượt đường
Kìa hoa leo tường
là hoa dâm bụt

MƠ NGÀY
Một thoáng nắng hồ mưa ảo phố
Mini hồng mây rằn lửa khăn bay
Tàu điện đỏ đáy hồ chuông tuổi nhỏ
Ngã tư may
đường truyện cổ mơ ngày…

BÓNG CHỮ
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu
Vườn chợt thức một mùi hao đi vắng
Em vẫn đây
mà em ở đâu

Việc đi tìm nhưng kết hợp như đã nói ở trên trong thơ Lê Đạt sẽ cho ra vô số những kết quả về tính dị thường của sự lắp ghép.Thiết tưởng,việc đi tìm những giá trị của sự biểu hiện này sẽ là một việc làm ích lợi hơn nhiều.



2.BÓNG CHỮ

Có lẽ, khi Cửa hàng Lê Đạt bị đóng, trong những tháng ngày cô đơn tầm thư học chữ ở Thư viện Quốc gia, câu nói nổi tiếng của S. Mallarmé: người ta không làm thơ bằng những tư tưởng, mà bằng những chữ, đã là một thứ công án làm nhà thơ đốn ngộ. Cái nghịch lý hiển nhiên, sự đối thoại trực diện của nó với một nề nếp thơ ca nói chí, chở đạo đã tạo ra một chấn động tâm lý, và vỡ một nhận thức, khai nguyên một ngôn ngữ mới. Lê Đạt đã mạnh dạn từ bỏ những mùa khem, những câu kinh kệ cũ mèm, Amen, để lột xác thành một nhà thơ mới. Ông ký đăng vào ngôi chùa Quốc ngữ như một đứa trẻ được bán khoán và chỉ tính tuổi mình, tiểu sử nói của mình theo giấy tái khai sinh:

Thuở ấy tôi rất già
Mở miệng
khuôn tổ tiên rập nói
Tôi bán khoán cửa
chùa Quán Ngữ
Lời chuộc tuổi mình
Nói thật khai sinh
(Chuộc tuổi)

Từ tư tưởng trên của Mallarmé, Lê Đạt coi "chữ bầu nên nhà thơ", hoặc nhà thơ là "phu chữ". Điều này đã vấp phải cái lương tri thông thường. Người này coi thơ Lê Đạt như sự lừa dối. Họ đọc thơ ông như bóc một tấm bánh: lột hết lớp lá ngôn từ này đến lớp lá ngôn từ khác mà chẳng thấy cái nhân tư tưởng ấy đâu.
Đọc Bóng chữ, người ta thấy rõ ràng ông bị từ nhập, từ ám. Ngoài nhan đề, các từ chữ, âm, trang, nghĩa… xuất hiện trong thi phẩm với một tần số rất cao:

- Bước chữ thăng hoa
- Vẩy thị thơm chân chữ động em về
- Tha thẩn chữ ngã ba
- Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ
Trang tầm xuân
cau chưa mở nụ ngà
Đàn từ non
âm hé môi cong mỏ hót

Sức ám của con chữ (chứ không phải con tự, một thứ rửng mỡ như Tú Xương nói: "Chắc hẳn thịt xôi lèn chặt dạ, Không dưng con tự bỗng thòi ra") cũng mãnh liệt như sự ám ảnh của con dục (libido), có khi còn mạnh hơn, ít nhất ở một số nhà thơ. Nó thúc đẩy thi nhân phải đi tìm chữ. Lê Đạt có nhiều tuyên ngôn chữ, nhưng đặc hơn cả có lẽ là Chi Chi Chành Chành. Mượn lời thiêng con trẻ, nhà thơ sấm truyền thông điệp của mình
Chi chi chành chành
Chữ đanh thổi lửa
Đanh là cái đinh, có thể là một dụng cụ đánh lửa của người xưa. Đanh cũng là rắn lại, co lại, sắt lại. Chữ đanh là chữ được cô đặc, nén chặt, hàm súc. Lửa là năng lượng, sức nóng, sự toả sáng. vật chất càng đặc thì năng lượng càng lớn. Chữ càng đanh thì hàm nghĩa càng lớn. Và muốn có chữ đanh thì nhà thơ phải khổ công đi tìm trong đám vật liệu ngôn từ nhật dụng, một thứ "quặng chữ" theo cách nói của Maia:
Cấp kế đi tìm
Ta vẫn đi tìm
Đi tìm là một tư thế thường trực của nhà thơ, bởi vì trước khi con chữ xuất hiện chưa có nhà thơ, nhà thơ do những cử tri chữ bầu lên. Tìm ở khắp nơi kể cả bên kia thế giới:
Mai sau ta chết
Ai đó đừng quên
Đưa ta dăm đồng
Để ta ăn đường
Để ta sang sông
Để ta đi tìm
Cuộc tìm chữ một cách khổ công như vậy (Lê Đạt gọi nhà thơ là phu chữ) cũng chẳng phải là điều mới. truyền thống thơ Á Đông và thơ Trung đại thế giới là truyền thống tìm chữ. "Sự bao cấp tư tưởng" của đạo Thiên chúa, đạo Hồi, của các chế độ chuyên chế tìm kiếm cái đẹp ở những kiến trúc tổng thể, những tư tưởng và triết học của riêng mình, nên đành phải hướng tài năng vào việc tinh luyện câu chữ. Các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam đua nhau đi tìm các thần tự, nhãn tự. Đỗ Phủ làm thơ mà chưa hạ được một chữ kinh động quỷ thần khi ăn không ngon ngủ không yên. Giả Đảo mắc kẹp giữa hai chữ thôi, xao như con lừa chết đói giữa hai bó cỏ… Các nhà thơ xưa thường tìm nghĩa của chữ ở trong bản thân chúng, tức là ở trong cái hiện thực mà nó phản ánh. Họ không biết rằng, chữ nghĩa chỉ là một thứ ký hiệu mang tính võ đoán. Nghĩa của từ ở ngoài câu là ở dạng tiềm sinh. Nghĩa chỉ xuất hiện khi từ có quan hệ kề cận hoặc lựa chọn với các từ khác trong câu. Phát hiện này của F. de Saussure đã làm cho ngữ học thực sự trở thành một khoa học (với nghĩa là có đối tượng riêng, có phương pháp riêng). Các nhà thơ hiện đại không thể không biết đến ngữ học như là một khoa học về vật liệu, vật liệu ngôn từ. Nhưng nhà thơ không chỉ dừng lại ở vật liệu, mà phải biến vật liệu thành nghệ thuật, biến ngôn ngữ tiêu dùng (giao tiếp) thành ngôn ngữ thi ca, bằng sự cấu trúc hóa nó, nghĩa là đặt nó vào những tương quan mới để nó phát nghĩa mới.

Trong ngôn từ nhật dụng, mỗi từ thường chỉ phát một nghĩa, bởi nếu phát nhiều nghĩa thì tạo ra sự nhiễu tin làm ách tắc quá trình giao tiếp. Đa số những người làm thơ hiện nay vẫn sử dụng kiểu phát nghĩa đơn tuyến này. Người phu chữ Lê Đạt không đi tìm những thần tự, nhãn tự để làm sang cho thơ. Sự tìm chữ của ông thực chất là tìm cách phát nghĩa mới: chữ đanh thổi lửa. Mỗi từ của Lê Đạt đều phát nhiều nghĩa, bởi nó nằm trong nhiều mối quan hệ với các từ khác trên cả trục kề cận lẫn trục liên tưởng.

Đọc Bóng Chữ, người ta thấy có nhiều từ mới, có lẽ, của riêng trong tự vị Lê Đạt. Ông sáng tạo chúng bằng cách ghép những từ mà trong đời sống tự nhiên chúng chẳng bao giờ có duyên kết hợp với nhau với nhau. Cuộc hôn phối này sở dĩ đứng được là do ông đã biết nhúng chúng vào một tiểu khí hậu thơ. Nhân tạo thành thiên nhiên, kỹ thuật thành nghệ thuật. Đó là những từ nai phố, tấm chữ (phiến, cô Tấm), boong phố (Boong phố nổi chàm nê ông lạ), tim mô: (Mộng anh hương/tim môi anh bói đỏ), tuổi đèn (Gió ăng ten / Phố mấy tuổi đèn), bát mộ (Hồn có nhà/ hay bát mộ đi xanh)…

Cũng có khi, để tăng khả năng phát nghĩa của từ, nhà thơ đặt từ B vào giữa từ A và từ C (theo kiểu A - B - C) để B tham gia vào cả hai mối quan hệ, nên nó có hai nghĩa khác nhau cùng phát một lúc:
- Thu mở mùa chim mây vỡ tổ
- Nay mùa đông lúa
Ngô bồng bông con.
Ở mùa chim thì chim là thật, ở chim mây thì chim là ẩn dụ. Người ta có thể đọc Thu mở mùa chim/mây vỡ tổ hoặc Thu mở mùa/chim mây vỡ tổ. Nhưng đọc thơ là đọc cùng một lúc và toàn khối, nên ta có đồng thời hai nghĩa của chim. Sự chuyển dịch từ nghĩa này sang nghĩa kia tạo nên hứng thú. Cũng như vậy, mùa đông và đồng lúa, bồng bông và bông con, rồi bồng… con, như một hình ảnh thơ.

Phong cách ngôn ngữ thơ Lê Đạt, theo cách hiểu hiện hành, là một phong cách không thuần nhất, "hầm bà làng". Trước hết, đó là sự trở về với những nguyên âm. Bóng chữ sử dụng rất nhiều nguyên âm. Có điều, do đặc điểm của tiếng Việt, các nguyên âm ấy đều mang nghĩa, mà phần nhiều đều là một từ: O (Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc / Tù và ngà ai ọ nghé đồng tranh; Đèn mơ ngơ/ Xuân ớ/ Ngã từ ờ…), (Gió ú đầu ga / Mưa oà thiên hà), e (Chỉ bóng anh / ò e / xe Văn Điển), u (Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà / tàu nhả khói ngã ba; Tim ù ù / gió ú / một nguyên âm…). Nguyên âm, có lẽ, là những tiếng đầu tiên của con người chuyển từ "ngôn ngữ" không phân tiết của loài vật sang ngôn ngữ phân tiết của người. Sự ú ớ của họ mang nặng bao tình cảm, kinh nghiệm của thời tiền sử. Việc Lê Đạt sử dụng nhiều nguyên âm u (u là mẹ, u là đất, đất mẹ) như một tiếng mời gọi trở về với cội nguồn nguyên thuỷ, cội nguồn vô thức. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều từ thuần Việt và các ngữ liệu dân gian, như Bống bống, Tấm, Bích câu, Từ Thức… để tạo thành một chiều sâu văn hóa. Tuy vậy, ông không quên đưa những từ hiện đại và đời sống hiện đại vào thơ như tạm ứng (Nhận ra tôi chỉ gốc cây gạo cụt / Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau), Kênh hoa sen, cấm vận (Tại bến nu đòng em khép mọng / Kênh hoa sen /mùa cấm vận / môi đèn), ăng - ten (Mái cao thấp/ chiều ngổn ngang tần số/ Đầu ăng - ten/ trời quê ngoại kênh chờ), trung tâm ngoại ngữ (Em trung tâm nào, Ngữ ngoại tim anh), điện toán, chương trình, (Chương trình yêu/ phiếu đục thừa lỗ nhớ). Thậm chí, tác giả không ngại dùng nguyên cả những từ nước ngoài như pastel (Tuổi dậy thì pastel phố lụa), aquarium (Kính biếu trời aquarium phố)…

Lê Đạt cũng rất thích "chơi chữ". Ông không ngại "chơi chữ Tây" đã Việt hóa. Lợi dụng những âm tiết tương tự về cách đọc, sự có nghĩa của âm tiết ta, nhà thơ viết:

- Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
- Tiếng xắc xô cong đoạn tình mua lụt
Để xô lô buồn khúc ruột xe lô

Kiểu chơi chữ này không mới, cái khó là làm cho sự chơi không gượng. Có lẽ, thần tình hơn cả là chơi chữ ta:
Hay em biến trong gương
một người giống em
trở lại
Má má môi
mà mỗi mỗi xa
(Gương)

Đây là một bài thơ tình. Tác giả sử dụng sự đối xứng gương, để đối lập hình và bóng, gần và xa, còn và mất…

Có thể nói, người ta gặp trong Bóng chữ cả dân gian lẫn hiện đại, cả Đông lẫn Tây, cả nhất thời lẫn vĩnh cửu (vấn đề tuổi thơ, tính dục). Sự đa tạp, dân chủ, "chung sống hòa bình" của những yếu tố dường như trái ngược nhau này, trong một tác phẩm nghệ thuật, hiện nay được gọi là phong cách "hậu hiện đại". Các yếu tố này ở Lê Đạt được gắn kết với nhau ở sự dùng từ một cách đặc biệt ("nhịu nói") trong một cú pháp - đặc biệt ("ngọng nói") để tìm cách phát nghĩa mới, một không gian thẩm mỹ cho thơ.

Bóng chữ, như vậy, không là một không gian thẩm mỹ khác nhau, xếp chồng hoặc bao hàm nhau; đó là một thứ không gian nhiều chiều, không gian cong, phi Euclid. Như một chữ (hình) được chiếu dọi từ nhiều nguồn sáng đặt ở những phương vị khác nhau, tạo ra nhiều bóng đổ vào nhau, lồng vào nhau. Từ đơn nghĩa trở thành đa nghĩa, đơn mạch trở thành đa mạch. Những luồng sáng giao nhau tạo thành sự tán xạ, sự nhoè nghĩa, đôi khi tạo thành mê lộ làm lúng túng những khách tham quan thẩm mỹ vốn quen được hướng dẫn. Điều có lẽ phù hợp hơn với bạn đọc hiện tại thích dân chủ và muốn được làm kẻ đồng sáng tạo với thi nhân.
Hai tiếng “phu chữ” từ khi được Lê Đạt nói ra đã trở thành thông dụng, thành một thứ câu cửa miệng trong giới thơ và cả trong công chúng. Không dễ được như vậy nếu nó không được đảm bảo bằng chính cả cuộc đời lao động nghệ thuật thơ, lao động chữ của ông. Đối với Lê Đạt, cũng như với các thân hữu văn chương của ông là Hoàng Cầm, Trần Dần, Dương Tường, làm thơ là làm chữ, là phải khổ công luyện chữ để bắt những con chữ bình thường, đơn giản với nghĩa tiêu dùng hàng ngày bật ra những nghĩa mới, những vẻ đẹp bất ngờ từ sự tương cận, cọ sát, va chạm của chúng khi đứng cạnh nhau trong một trường liên kết và liên tưởng do chính nhà thơ đưa chúng vào. Từ những bài thơ mang nặng tính hiện thực thời kỳ đầu, trải hơn ba mươi năm âm thầm đọc và học, tìm và thử trong thế giới con chữ Việt, khi hoàn cảnh lịch sử mở cửa cho ông trở lại thi đàn vào thập niên 1980, Lê Đạt đã có vàng luyện từ quặng của mình đem ra trình trước thơ. Người đọc bước vào thơ ông với tâm trạng vừa thích thú, tò mò, vừa e dè, hoang mang. Nhưng có một điều chắc là họ đã được nhận một khoái cảm khác lạ từ những phá cách kết cấu câu chữ đưa lại những kết hợp mới của từ mà người “phu chữ” Lê Đạt đã dày công tìm tòi, thử nghiệm. Này là mùa thu “Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ”. Này là sông quê “nắng mười tám má bờ đê con gái”. Này là mới tuổi “mùa xuân phăn phăn lòng đường”. Này là tỏ tình “liễu đầu cành độc thoại đoạn trường xanh”. Ông có hẳn một kiểu thơ Haik kư, chỉ từng cặp thơ thôi nhưng mỗi lần đọc là đưa lại một khám phá, mỗi lần nhìn con chữ là lại thấy một công phu sáng tạo. Tưởng như ông gò mình vào giới hạn tối thiểu của hai dòng thơ, nhưng đấy là cách ông tự thử thách năng lực thơ của mình thông qua thử thách các khả năng biến hóa, thay đổi của chữ, để trong một diện tích tối thiểu chữ đạt được tối đa năng lượng cảm xúc thơ.

Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu

Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chin
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng

Máy nhắn chim tin tìm mê lộ số
Lòng khác tình tìm đổi số lặng thinh

Thế hệ nhà thơ của Lê Đạt càng cao tuổi càng trẻ, trẻ trong tư duy, cảm xúc, trẻ trong cách sống. Có lẽ cái trẻ ấy của Lê Đạt đến từ tri thức ông thu nhận và tích lũy được qua sách vở tự học và từ những trải nghiệm đường đời nhiều gian truân và khổ nạn.
Bây giờ Lê Đạt, người “phu chữ”, đã nằm xuống, sau “một đời lao lực, một đời thơ”. Những người đọc từ nay chỉ còn gặp ông trong “bóng chữ”, và nghe ông trong “ngó lời”. Và họ biết ơn ông đã làm cho họ biết quý yêu chữ, trân trọng chữ, không chỉ là để làm thơ. Nhưng đặc biệt là nhà thơ, như Lê Đạt: “Nhà thơ là người lao động ở môi trường tâm áp cao mà không có bồi dưỡng độc hại để sản xuất giống đặc chủng cho những mùa tình bội thu”. Đó là niềm kiêu hãnh của Lê Đạt.
Cách tân thơ của Lê Đạt là ở Chữ. Ông có thể mượn câu nói của một nhà thơ Pháp để nói về mình: Hãy đập vào chữ anh dùng, thiên tài là ở đấy! (“Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy” – A. Musset). Khi văn chương là ngôn ngữ, mà thơ lại là sự tập trung xoáy sâu vào ngôn ngữ, và ngôn ngữ hiện hình trên trang giấy bằng chữ, thì sao người làm thơ lại không trăn trở, vần xoay sống chết với chữ để bắt từng con chữ biểu phát ra những ánh chiếu khác lạ về âm sắc, nghĩa lý. Lao động chữ là một thứ lao động khổ sai nhưng tự nguyện, đau đớn nhưng khoái cảm. Lê Đạt không tự gọi mình và không cho gọi mình là thi sĩ. Ông chỉ nhận mình là “phu chữ”. Nội hai chữ này thôi đã nổi lên cái chất Lê Đạt. Sự lắp ghép, kết hợp “phu” và “chữ” đã tạo ra một từ mới, một khái niệm mới, một hình dung mới, biểu đạt được công phu tử vì thơ của người thơ. Nói tới Lê Đạt, vì vậy, trước hết và trên hết, là nói tới một người lao động chữ và nghĩa. Ông đã từng viết như một tuyên ngôn: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ”. Ông quan niệm: Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ / Hẳn phải siêng năng, có lòng thành / và nhất là biết chờ / người đẹp vỏ chữ bước ra / giờ các con phe đi ngủ.
“Bóng chữ” (1994) tập thơ đưa ông tái xuất văn đàn là kết quả của mấy chục năm im lặng đọc, và nghĩ, và viết, vượt lên trên những hệ lụy khó nhọc của đời sống khốn khó vây níu mình. Lê Đạt trở lại đã không tụt hậu, đã vẫn mới, vẫn đủ năng lượng đốt cháy mình cho thơ, vẫn ở hàng đầu những người khổ sai và hạnh phúc vì chữ.

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nổi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao

Mùa thu đã được nói quá nhiều trong thơ ca dân tộc và nhân loại, nhưng bài thơ hay này của Lê Đạt là minh chứng cho một chân lý trong công việc sáng tạo: không có đề tài cũ, chỉ có người thơ không biết làm mới đề tài. Lê Đạt đã sử dụng và sai khiến các con chữ một cách sáng tạo tài tình để đưa tặng người đọc một bức tranh thu tình tứ vừa rất ca dao truyền thống vừa rất tân thời, hiện đại. Có thể tìm được trong tập “Bóng chữ” nhiều câu hay và khác lạ mang đúng “thi hiệu” Lê Đạt như vậy. Sớm hạ búp sen đôi gió / Sóng đòng buồm nhấp nhô thơm / Tóc liễu trường tân thơ cổ / Trời xanh côban rất Đường (Vào hè). Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ / Trang tầm xuân cau chưa mở nụ ngà / Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng rõi / Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà tàu nhả khói ngã ba (Mới tuổi).
Nhân đây cũng nói về sự khó hiểu của thơ Lê Đạt.
Điều đó, như trên đã nói, trước hết là ở tính nhiều chiều của không gian thẩm mỹ còn chưa tạo ra được một lớp người đọc của mình. Người đọc còn quen với thơ tải cảm đơn thuần, thơ phát nghĩa một chiều. Bài thơ như một bình năng lượng có thế năng lớn. Độc giả chỉ việc mở kênh và chờ năng lượng từ bình chảy vào mình. Bóng chữ là thơ gợi ý, gợi cảm, nên người đọc phải tự dấn thân vào kỳ trận chữ. Ở đây, ấn tượng thẩm mỹ là phi hình thể. Hơn nữa, thơ xưa là "dĩ ngôn chí", thơ công cụ, gói gém một tư tưởng, một triết lý, một tôn giáo… Đọc thơ là quá trình vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với những lý tưởng này. Có người, quen với cách đọc trên, bóc mãi các lớp vỏ ngôn từ mà không thấy cái nhân tư tưởng thơ Lê Đạt đâu, nên đã coi như bị nhà thơ đánh lừa. Thực ra, sự hấp dẫn của Bóng chữ không phải ở tư tưởng, triết học, tôn giáo bên ngoài, được chất lên xe tải của chữ.

Ở ngay bên trong mạch điên tử của chữ, mỗi chữ phát nghĩa như một con rệp điện tử. Ở Bóng chữ, ta thấy một nỗ lực cải tiến vật liệu, thay đổi công nghệ chữ.
Hiện nay, người ta đang gia tăng sức bền, độ nhẹ, độ truyền dẫn của vật liệu (tức tạo ra một vật liệu mới) bằng cách phá vỡ cấu trúc và tái cấu trúc tinh thể của vật liệu. Sự phá vỡ ngữ nghĩa tiêu dùng để tạo thành một ngữ nghĩa khác, sự phát nghĩa nhiều chiều, tính bất định của không gian thẩm mỹ mà Lê Đạt theo đuổi phải chăng có thể coi là một tư tưởng, một thẩm mỹ?


C.KẾT LUẬN
Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi lớn của thơ ca nghệ thuật, và càng là đòi hỏi cấp thiết của tuổi trẻ. Tuổi hai mươi phải dũng cảm phá bỏ ràng buộc của những lề quen thói cũ, phải không cam chịu kiếp sống an phận thủ thường làm thui chột mọi khả năng sáng tạo. Những kiếp người sống lâu trăm tuổi / Y như một chiếc bình vôi / Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại. Trong bản hòa tấu những tiếng thơ khao khát làm mới mình, làm mới thơ để dâng hiến cho cuộc đời và đất nước từ giai phẩm mùa xuân 1956, Lê Đạt đã cất tiếng kêu gọi:

Mới! Mới!
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,
Vượt mãi…

Tiếng kêu ấy đã theo ông đi trọn cuộc đời làm người và làm thơ. Bị hoạn nạn, gặp khó khăn, nhưng ông không bao giờ bỏ tiếng kêu ấy lại phía sau. Đó chính là tiếng thơ của Lê Đạt. Ông, cùng với Trần Dần, Đặng Đình Hưng, là ba nhà thơ trong phong trào Nhân Văn cách tân mạnh mẽ, quyết liệt nhất của thơ Việt nửa sau thế kỷ XX.
Chất liệu của văn học là ngôn ngữ.Phân tích văn chương từ tiền đề này là một con đường đúng đắn và tránh được những hiểu lầm quy chụp.Tuỳ từng thể loại, từng nhà văn, và phong cách đặc trưng của họ mà có cách tiếp cận theo những hướng phù hợp. Ở Lê Đạt, người vẫy chữ thăng hoa, mải miết trên hình tuyến ngôn ngữ đã vẽ nên những bóng chữ đọng chân cầu ngàn năm, thì việc áp dụng tiền đề về mối quan hệ trên trục kết hợp của ngôn ngữ để khám phá thơ ông là một cách làm khả dĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét