Điểm Nhấn

Hãy Ghé Thăm

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Đi Tìm Bóng Chữ Trên Hình Tuyến Thơ Lê Đạt

A.PHẦN MỞ ĐẦU

Thơ hậu hiện đại là một thách thức với những nhà phê bình.Phương pháp phân tích truyền thống sẽ bất lực trước những cách tân to lớn và đột phá của những nhà cách mạng thơ táo bạo và tài năng.Việc áp dụng những thủ pháp phù hợp để chiếm lĩnh cái thế giới đầy hương sắc, mộng mị và huyền ảo này là một yêu cầu đang được đặt ra một cách cấp bách.Dùng cái nhìn ngôn ngữ học để soi sáng cho thơ là một việc làm hợp lẽ.Một nguyên lí có tính chất tiên đề: ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học, dường như không ai là không thừa nhận.Nhưng thừa nhận điều ấy không có nghĩa là họ vì thế mà làm việc trên tình thần của nó.Cái nhìn chủ quan cảm tính, áp đặt vẫn còn vô số.Thơ Lê Đạt,thơ của bóng chữ, do đó mà là một thế giới đa chiều kích đòi hỏi phải được soi sáng bằng con mắt của ngôn ngữ học.
Thơ Lê Đạt,một miền đất mầu mỡ, hoang sơ mà dường như mới có rất ít dấu chân người đến khai phá.Nguyên nhân chính không phải nằm ở thế giới thơ ông mà một điều trái ngang là nó do những vấn đề ngoài nghệ thuật trói buộc.Vào giữa thập niên 50 của thế kỉ XX,phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do một số nhà thơ tài hoa như Hoàng Cầm,Phùng Quán,Trần Dần,tác giả của Tiến quân ca-Văn Cao và tru cột là Lê Đạt khởi xướng.Nhân Văn-Giai Phẩm đòi cách tân nghệ thuật và lên tiếng đòi cấp cho nghệ thuật một căn nhà riêng nhưng những đòi hỏi chính đáng đó đã bị coi là phản động và những nhà Nhân Văn-Giai Phẩm đã phải chịu một cái án oan khuất trong suốt ba mươi năm.Những tác phẩm nghệ thuật ,do đó không được thừa nhận.Không một nhà phê bình nào giám đi vào khu vườn thơ ca ấy mà hái quả ngọt.Năm 1988, Lê Đạt được nhà nước cho xuất bản trở lại. Năm 2008, 4 nhà thơ tiêu biểu của Nhân Văn-Giai Phẩm là Lê Đạt, Trần Dần, phùng Quán,Hoàng Cầm được trao giải thưởng nhà nước vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp cách tân nghệ thuật nước nhà. Đó là một đền bù cho những nỗi đau mà các nhà thơ đã phải chịu.Và từ đây thơ họ mới được khám phá một cách muộn màng. Đi vào vùng đất mới mẻ này người ta thục sự thấy ngỡ ngàng trước những đổi mới lớn lao của thơ. Lê Đat là một trong những người đi đầu như thế.Tuy nhiên do những nguyên nhân như đã nêu trên mà thơ họ chưa được khai thác bao nhiêu.Và cũng do đó mà những công trình viết về thơ của Nhân Văn-Giai Phẩm nói chung và Lê Đạt nói riêng còn rất hạn chế.Những người đã từng viết về thơ Lê Đạt có thể kể như: Đỗ Lai Thuý, Văn Cầm Hải, Võ Thị Hảo, Phạm Xuân Nguyên, Nam Dao…Nhưng nhìn chung đó chỉ mới là những bài viết nhỏ, những nhận xét có tính chất tình cảm nhiều hơn (trừ Đỗ Lai Thuý).
Sự nghiệp sáng tác của Lê Đạt rất phong phú,bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết thơ…Trước và trong giai đoạn Nhân Văn-Giai Phẩm Lê Đạt đã xuất bản nhiều tác phẩm,có những bài thơ ngùn ngụt tinh thần cách mạng, thơ ca ngợi lãnh tụ. Rồi nhanh chóng thơ ông chuyển sang Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu,Giai phẩm mùa đông những bài thơ theo tinh thần Giai phẩm xuất hiện rất nhiều trên báo,cửa hàng Lê Đạt cũng được sắp chữ nhưng chưa kịp cho ra mắt bạn đọc.Sau thời gian nổi nênh này Lê Đạt buộc phải gác bút suốt ba mươi năm.Từ 1988 đến 2008, Lê Đạt đã cho ra mắt những tác phẩm như bóng chữ (1994), đánh dấu sự trở lại đồng thời xác nhận ông như một nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam hiện đại.
Tiếp đến là những tác phẩm:hèn đại nhân(truyện ngắn,nxb phụ nữ),ngó lời (nxb văn học),từ tình Epphen(tạp chí thơ,cali,1998),mi là người bình thường(truyện ngắn,nxb phụ nữ 2007), đường chữ, ra đời sau khi ông mất (tuyển tập,nxb hội nhà văn,Bách Việt 2009).Sụ nghiệp của Lê Đạt rất phong phú nhưng trong khuôn khổ của mình, đề tài chỉ khảo sát với tập bóng chữ,tập thơ gây dư luận, dư vang và dư âm mạnh mẽ nhất.
Ở những tác phẩm nghệ thuật giá trị thì việc thống kê và phân tích cho hết những thủ pháp mà nó vận dụng là một việc làm khó khắn.Những trang thơ của Lê Đạt là đại diện cho tinh thần đổi mới, cho sự tim tòi và vận dụng những thủ pháp mới nhất của thi ca thế giới nên việc khảo sát nó một cách toàn diện phải cần một công trình quy mô và dài hơi.Bài tiểu luận, đứng từ góc nhìn ngôn ngữ học,mà cụ thể là lí thuyết về mối quan hệ cơ bản của ngôn ngữ,quan hệ hình tuyến, để khám phá một khía cạnh nghệ thuật trong thế giới đa ngôn của thơ Lê Đạt.

B.NỘI DUNG

1.NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÍ THUYẾT

Phân tích thơ từ góc nhìn của lý thuyết về mối quan hệ hình tuyến của ngôn ngữ nhưng cần phải nói về những cơ sở và xuất phát điểm của lí thuyết này.
Ngôn ngữ là một hệ thống. Theo cách hiểu chung, "hệ thống" là một thể thống nhất bao gồm các các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau. Mỗi đối tượng trọn vẹn làm một hệ thống, chẳng hạn: một cái cây, một con vật, một gia đình v.v... Nói đến hệ thống, cần phải nói đến hai điều kiện: a) Tập hợp các yếu tố; b) Những mối quan hệ và liên hệ lẫn nhau giữa các yếu tố đó. Cần phân biệt hệ thống với những tập hợp ngẫu nhiên các yếu tố không có quan hệ tất yếu nào đối với nhau. Một đống củi cũng gồm rễ cây, thân cây, cành cây, lá cây... không tạo thành cái cây (hệ thống) mà chỉ là đống củi. Vài ba người ghép lại ở với nhau cũng không thành gia đình, bởi vì họ thiếu những quan hệ thuộc về gia đình.(Nguyễn Thiện Giáp,Dẫn luận ngôn ngữ học)
Khái niệm hệ thống gắn bó chặt chẽ với khái niệm "kết cấu". Nếu hệ thống là một thể thống nhất bao gồm các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau thì kết cấu là tổng thể các mối quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố của thể thống nhất đó. Như vậy, kết cấu không nằm ngoài hệ thống. Đã là hệ thống thì phải có kết cấu.
Hai mối quan hệ chủ yếu và quan trọng nhất của ngôn ngữ là quan hệ liên tưởng và quan hệ kết hợp.Ngay từ năm 1913, F. de Saussure đã trình bày lí thuyết ngôn ngữ học dựa trên 4 đối lập chính sau đây:
- Ngôn ngữ và lời nói;
- Đồng đại và lịch đại;
- Trục dọc và trục ngang;
- Nội ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ
Trục ngang còn được gọi là trục kết hợp. Theo nguyên lí của Saussure, sự kết hợp các yếu tố ngôn ngữ theo trục ngang tạo nên thông điệp. Nguyên tắc quan trọng nhất là khi các yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau thì chúng phải khác nhau. Chúng ta gọi đó là nguyên lí tương phản. Nguyên lí này là sự biểu hiện của ngôn ngữ trong lời nói, các yếu tố ngôn ngữ không thể xếp chồng lên nhau mà chúng phải dàn ra theo hình tuyến .
Khi các yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau theo quy luật tuyến tính thì chúng tạo nên các chuỗi yếu tố. Những chuỗi này được hiện thực hoá trong việc tạo nên các dạng thể lời nói khác nhau trong giao tiếp.
Các yếu tố đứng ở trong trục dọc (nằm trong các thế đối lập) trong một thời điểm chỉ có một yếu tố xuất hiện. Còn ở trục ngang, các yếu tố được liên kết với nhau để tạo nên các cấu trúc lớn hơn cả về lượng lẫn chất. Yêu cầu của các yếu tố nằm trong thế đối lập (ở trục dọc/ trục đối vị) là đồng chất với nhau, còn ở trục ngang thì ngược lại, các yếu tố ngôn ngữ phải khác nhau về chất thì mới có thể kết hợp được. Chính vì vậy, các yếu tố của trục ngang là hiện thân của tương phản hay thế tương phản. Chúng càng khác nhau thì khả năng kết cấu của chúng càng bền chặt.
Ngôn ngữ là một hệ thống nhiều cấp độ,nhiều tầng bậc.Quan hệ kết hợp được thực hiện trong tất cả những cấp độ này. Ân vị sẽ kết hợp với âm vị,hình vị kết hợp với hình vị.Ở cấp độ từ (trong tiếng Việt chẳng hạn) khi 2 hình vị đứng cạnh nhau, chúng sẽ được kết hợp với nhau theo các luật cấu tạo từ của tiếng Việt. Ví dụ: Nếu 2 yếu tố đứng cạnh nhau có quan hệ ngữ âm với nhau thì chúng sẽ tạo nên các từ láy (ví dụ: đo đỏ, châu chấu)... Nếu 2 hình tiết đứng cạnh nhau có quan hệ về mặt ngữ nghĩa, chúng sẽ tạo nên từ đẳng lập, hoặc từ chính phụ (ví dụ: nhà cửa, dưa bở)... Nếu hai hình tiết đứng cạnh nhau không có quan hệ về ngữ âm hay ngữ nghĩa mà chúng lại nằm trong cấu trúc từ (một đơn vị hình thanh) thì chúng tạo nên các từ ngẫu kết (ví dụ: bồ hóng, bù nhìn)...
Ở cấp độ cú pháp học, hiện thân của quan hệ ngang là các quan hệ cú pháp. Ngôn ngữ học từ trước đến nay chia các quan hệ cú pháp thành 3 loại sau:
- Nếu 2 yếu tố cú pháp đứng cạnh nhau, độc lập hoàn toàn với nhau thì chúng nằm trong quan hệ đẳng lập.
- Nếu 2 yếu tố cú pháp đứng cạnh nhau nhưng lại thiết lập nên quan hệ có CHÍNH là trung tâm, có PHỤ là ngoại biên, tức là 2 yếu tố có quan hệ phụ thuộc mà ở đó trong cương vị cú pháp của riêng mình thành phần chính sẽ là thành phần đại diện cho cả cấu trúc. Người ta có thể lược bỏ thành phần phụ mà không ảnh hưởng gì. Thành phần chính trong cương vị cú pháp của mình quyết định toàn bộ đặc điểm cấu trúc ấy.
- Nếu hai thành tố cú pháp không thuộc phạm vi hai loại kể trên thì có khả năng là:
+ Cả hai yếu tố đều có tác động đến nhau: lực kết cấu là như nhau;
+ Không thể lược bỏ được một trong hai yếu tố mà không làm ảnh hưởng tới chức năng cũng như đặc điểm của cấu trúc.
Mối quan hệ như trên được gọi là quan hệ vị tính (quan hệ vị từ) – mối quan hệ quan trọng nhất khi xác định tư cách độc lập của phát ngôn ở bình diện cú pháp.
Mối quan hệ vừa trình bày là quan hệ chuẩn trong ngôn ngữ giao tiếp.Trong thơ ca tình hình lại không như vậy.Quan hệ trên trục kết hợp trong thơ là quan hệ phi chuẩn,quan hệ kết hợp bất thường.Và chính sự bất thường này đã tạo ra giá trị thẩm mĩ cho thơ.Một kết hợp mới mẻ có thể chuyên chở được rất nhiều ý nghĩa,tạo ra những chiều kích không gian, thời gian rộng lớn;những sự liên tưởng sâu xa và huyền diệu. Đôi khi chỉ một kết hợp giữa hai từ ngữ bình thường bỗng trở nên không thể nắm bắt hết ý nghĩa sâu xa và giá trị mĩ học của chúng.
Đến đây cần phải nêu ra một nhận định của Cao Xuân Hạo: Trong ngôn ngữ học truyền thống, khi nói đến nghĩa người thường chỉ nghĩ đến nghĩa của các từ.Các sách nghĩa học cũ thường chỉ bàn đến thứ nghĩa đó mà thôi, chứ không thấy cần phải phân tích nghĩa của câu, vì nghĩ rằng nó chẳng qua là nghĩa của các từ kết hợp lại mà thành.Thật ra, nếu nói cho thật nghiêm ngặt, từ tách ra khỏi câu, nghĩa là tách ra khỏi cách dùng của nó trong lời nói, không thể có nghĩa gì hết.Cái mà người ta gọi là nghĩa của từ(như giải thích trong từ điển) thật ra là nghĩa của những câu chỉ gồm có mỗi một từ ấy và là cái khả năng của từ ấy được dung để chỉ(để gọi tên) những sự vật nhất định.(Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt-sơ thảo ngữ pháp chức năng, tr18).Như vậy, mỗi từ là một khối năng lượng đang ở dạng thế năng.Năng lượng của nó sẽ được giải phóng ở mức độ nào là do sự quyết định không phải bởi bản thân nó mà ở sự kết hợp của nó với những từ ngữ nào khác.Một từ ngữ có thể chỉ là một hòn sỏi, nhưng cũng có thể trở thành một viên đạn,thậm chí là một trái bom.Và nó thực sự trở thành cái gì là do mối quan hệ trên trục kết hợp quyết định.

2.NHỮNG KẾT HỢP ĐỘC ĐÁO

Việc đi tìm những kết hợp độc đáo trong thơ Lê Đạt không phải là một vấn đề đòi hỏi nhiều công sức,nếu không muốn nói là một việc làm dễ dàng.Bởi lẽ,trong thơ ông ở đâu ta cũng gặp những kết hợp bất ngờ.Trong bất cứ bài thơ nào của bóng chữ, những kết hợp không bình thường của chữ luôn luôn xuất hiện như một lẽ tự nhiên của thơ.
Áo trắng
Áo trắng bước bồng bềnh mây trắng
Trời sáng ngần thân phố khỏa xuân

Tóc phố
Chấp chới đèn lên tóc phố
Gáy nêông chiều lả liễu lam bay

Mộng cũ
Tình đổi tiền quầy tim xưa đóng cửa
Mộng cũ dăm đồng Âm phủ gió xua

Trêu ngươi
Mi liễu buông mành
Ngươi cứ trêu xanh

Tấm chữ
Anh rình trắng nghìn trăng nghiêng ngõ mộng
Bước thị thơm chân chữ động em về

Vải Thanh Hà
Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa


ANH Ở LẠI
Nắng rũ áo mộng đò neo bến nhổ
Lá bỏ cành trời rứt én xanh lìa cây
Chiều ngậm mãi một nỗi chim rời tổ
Ga Vọng
thu khuya ai xổ một hồi còi
Anh ở lại phố nghèo
xuân biết má hồng xiêm em ngọt
Quả môi thơm đầu mùa
Vườn ổi hương
chim thương thường đến ăn hạt nhớ…

HỒ XUÂN HƯƠNG
Xuân chẳng buông hương
sao bướm vượt đường
Kìa hoa leo tường
là hoa dâm bụt

MƠ NGÀY
Một thoáng nắng hồ mưa ảo phố
Mini hồng mây rằn lửa khăn bay
Tàu điện đỏ đáy hồ chuông tuổi nhỏ
Ngã tư may
đường truyện cổ mơ ngày…

BÓNG CHỮ
Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa, mây mấy độ thu
Vườn chợt thức một mùi hao đi vắng
Em vẫn đây
mà em ở đâu

Việc đi tìm nhưng kết hợp như đã nói ở trên trong thơ Lê Đạt sẽ cho ra vô số những kết quả về tính dị thường của sự lắp ghép.Thiết tưởng,việc đi tìm những giá trị của sự biểu hiện này sẽ là một việc làm ích lợi hơn nhiều.



2.BÓNG CHỮ

Có lẽ, khi Cửa hàng Lê Đạt bị đóng, trong những tháng ngày cô đơn tầm thư học chữ ở Thư viện Quốc gia, câu nói nổi tiếng của S. Mallarmé: người ta không làm thơ bằng những tư tưởng, mà bằng những chữ, đã là một thứ công án làm nhà thơ đốn ngộ. Cái nghịch lý hiển nhiên, sự đối thoại trực diện của nó với một nề nếp thơ ca nói chí, chở đạo đã tạo ra một chấn động tâm lý, và vỡ một nhận thức, khai nguyên một ngôn ngữ mới. Lê Đạt đã mạnh dạn từ bỏ những mùa khem, những câu kinh kệ cũ mèm, Amen, để lột xác thành một nhà thơ mới. Ông ký đăng vào ngôi chùa Quốc ngữ như một đứa trẻ được bán khoán và chỉ tính tuổi mình, tiểu sử nói của mình theo giấy tái khai sinh:

Thuở ấy tôi rất già
Mở miệng
khuôn tổ tiên rập nói
Tôi bán khoán cửa
chùa Quán Ngữ
Lời chuộc tuổi mình
Nói thật khai sinh
(Chuộc tuổi)

Từ tư tưởng trên của Mallarmé, Lê Đạt coi "chữ bầu nên nhà thơ", hoặc nhà thơ là "phu chữ". Điều này đã vấp phải cái lương tri thông thường. Người này coi thơ Lê Đạt như sự lừa dối. Họ đọc thơ ông như bóc một tấm bánh: lột hết lớp lá ngôn từ này đến lớp lá ngôn từ khác mà chẳng thấy cái nhân tư tưởng ấy đâu.
Đọc Bóng chữ, người ta thấy rõ ràng ông bị từ nhập, từ ám. Ngoài nhan đề, các từ chữ, âm, trang, nghĩa… xuất hiện trong thi phẩm với một tần số rất cao:

- Bước chữ thăng hoa
- Vẩy thị thơm chân chữ động em về
- Tha thẩn chữ ngã ba
- Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ
Trang tầm xuân
cau chưa mở nụ ngà
Đàn từ non
âm hé môi cong mỏ hót

Sức ám của con chữ (chứ không phải con tự, một thứ rửng mỡ như Tú Xương nói: "Chắc hẳn thịt xôi lèn chặt dạ, Không dưng con tự bỗng thòi ra") cũng mãnh liệt như sự ám ảnh của con dục (libido), có khi còn mạnh hơn, ít nhất ở một số nhà thơ. Nó thúc đẩy thi nhân phải đi tìm chữ. Lê Đạt có nhiều tuyên ngôn chữ, nhưng đặc hơn cả có lẽ là Chi Chi Chành Chành. Mượn lời thiêng con trẻ, nhà thơ sấm truyền thông điệp của mình
Chi chi chành chành
Chữ đanh thổi lửa
Đanh là cái đinh, có thể là một dụng cụ đánh lửa của người xưa. Đanh cũng là rắn lại, co lại, sắt lại. Chữ đanh là chữ được cô đặc, nén chặt, hàm súc. Lửa là năng lượng, sức nóng, sự toả sáng. vật chất càng đặc thì năng lượng càng lớn. Chữ càng đanh thì hàm nghĩa càng lớn. Và muốn có chữ đanh thì nhà thơ phải khổ công đi tìm trong đám vật liệu ngôn từ nhật dụng, một thứ "quặng chữ" theo cách nói của Maia:
Cấp kế đi tìm
Ta vẫn đi tìm
Đi tìm là một tư thế thường trực của nhà thơ, bởi vì trước khi con chữ xuất hiện chưa có nhà thơ, nhà thơ do những cử tri chữ bầu lên. Tìm ở khắp nơi kể cả bên kia thế giới:
Mai sau ta chết
Ai đó đừng quên
Đưa ta dăm đồng
Để ta ăn đường
Để ta sang sông
Để ta đi tìm
Cuộc tìm chữ một cách khổ công như vậy (Lê Đạt gọi nhà thơ là phu chữ) cũng chẳng phải là điều mới. truyền thống thơ Á Đông và thơ Trung đại thế giới là truyền thống tìm chữ. "Sự bao cấp tư tưởng" của đạo Thiên chúa, đạo Hồi, của các chế độ chuyên chế tìm kiếm cái đẹp ở những kiến trúc tổng thể, những tư tưởng và triết học của riêng mình, nên đành phải hướng tài năng vào việc tinh luyện câu chữ. Các nhà thơ Trung Hoa và Việt Nam đua nhau đi tìm các thần tự, nhãn tự. Đỗ Phủ làm thơ mà chưa hạ được một chữ kinh động quỷ thần khi ăn không ngon ngủ không yên. Giả Đảo mắc kẹp giữa hai chữ thôi, xao như con lừa chết đói giữa hai bó cỏ… Các nhà thơ xưa thường tìm nghĩa của chữ ở trong bản thân chúng, tức là ở trong cái hiện thực mà nó phản ánh. Họ không biết rằng, chữ nghĩa chỉ là một thứ ký hiệu mang tính võ đoán. Nghĩa của từ ở ngoài câu là ở dạng tiềm sinh. Nghĩa chỉ xuất hiện khi từ có quan hệ kề cận hoặc lựa chọn với các từ khác trong câu. Phát hiện này của F. de Saussure đã làm cho ngữ học thực sự trở thành một khoa học (với nghĩa là có đối tượng riêng, có phương pháp riêng). Các nhà thơ hiện đại không thể không biết đến ngữ học như là một khoa học về vật liệu, vật liệu ngôn từ. Nhưng nhà thơ không chỉ dừng lại ở vật liệu, mà phải biến vật liệu thành nghệ thuật, biến ngôn ngữ tiêu dùng (giao tiếp) thành ngôn ngữ thi ca, bằng sự cấu trúc hóa nó, nghĩa là đặt nó vào những tương quan mới để nó phát nghĩa mới.

Trong ngôn từ nhật dụng, mỗi từ thường chỉ phát một nghĩa, bởi nếu phát nhiều nghĩa thì tạo ra sự nhiễu tin làm ách tắc quá trình giao tiếp. Đa số những người làm thơ hiện nay vẫn sử dụng kiểu phát nghĩa đơn tuyến này. Người phu chữ Lê Đạt không đi tìm những thần tự, nhãn tự để làm sang cho thơ. Sự tìm chữ của ông thực chất là tìm cách phát nghĩa mới: chữ đanh thổi lửa. Mỗi từ của Lê Đạt đều phát nhiều nghĩa, bởi nó nằm trong nhiều mối quan hệ với các từ khác trên cả trục kề cận lẫn trục liên tưởng.

Đọc Bóng Chữ, người ta thấy có nhiều từ mới, có lẽ, của riêng trong tự vị Lê Đạt. Ông sáng tạo chúng bằng cách ghép những từ mà trong đời sống tự nhiên chúng chẳng bao giờ có duyên kết hợp với nhau với nhau. Cuộc hôn phối này sở dĩ đứng được là do ông đã biết nhúng chúng vào một tiểu khí hậu thơ. Nhân tạo thành thiên nhiên, kỹ thuật thành nghệ thuật. Đó là những từ nai phố, tấm chữ (phiến, cô Tấm), boong phố (Boong phố nổi chàm nê ông lạ), tim mô: (Mộng anh hương/tim môi anh bói đỏ), tuổi đèn (Gió ăng ten / Phố mấy tuổi đèn), bát mộ (Hồn có nhà/ hay bát mộ đi xanh)…

Cũng có khi, để tăng khả năng phát nghĩa của từ, nhà thơ đặt từ B vào giữa từ A và từ C (theo kiểu A - B - C) để B tham gia vào cả hai mối quan hệ, nên nó có hai nghĩa khác nhau cùng phát một lúc:
- Thu mở mùa chim mây vỡ tổ
- Nay mùa đông lúa
Ngô bồng bông con.
Ở mùa chim thì chim là thật, ở chim mây thì chim là ẩn dụ. Người ta có thể đọc Thu mở mùa chim/mây vỡ tổ hoặc Thu mở mùa/chim mây vỡ tổ. Nhưng đọc thơ là đọc cùng một lúc và toàn khối, nên ta có đồng thời hai nghĩa của chim. Sự chuyển dịch từ nghĩa này sang nghĩa kia tạo nên hứng thú. Cũng như vậy, mùa đông và đồng lúa, bồng bông và bông con, rồi bồng… con, như một hình ảnh thơ.

Phong cách ngôn ngữ thơ Lê Đạt, theo cách hiểu hiện hành, là một phong cách không thuần nhất, "hầm bà làng". Trước hết, đó là sự trở về với những nguyên âm. Bóng chữ sử dụng rất nhiều nguyên âm. Có điều, do đặc điểm của tiếng Việt, các nguyên âm ấy đều mang nghĩa, mà phần nhiều đều là một từ: O (Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc / Tù và ngà ai ọ nghé đồng tranh; Đèn mơ ngơ/ Xuân ớ/ Ngã từ ờ…), (Gió ú đầu ga / Mưa oà thiên hà), e (Chỉ bóng anh / ò e / xe Văn Điển), u (Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà / tàu nhả khói ngã ba; Tim ù ù / gió ú / một nguyên âm…). Nguyên âm, có lẽ, là những tiếng đầu tiên của con người chuyển từ "ngôn ngữ" không phân tiết của loài vật sang ngôn ngữ phân tiết của người. Sự ú ớ của họ mang nặng bao tình cảm, kinh nghiệm của thời tiền sử. Việc Lê Đạt sử dụng nhiều nguyên âm u (u là mẹ, u là đất, đất mẹ) như một tiếng mời gọi trở về với cội nguồn nguyên thuỷ, cội nguồn vô thức. Ngoài ra, ông còn sử dụng nhiều từ thuần Việt và các ngữ liệu dân gian, như Bống bống, Tấm, Bích câu, Từ Thức… để tạo thành một chiều sâu văn hóa. Tuy vậy, ông không quên đưa những từ hiện đại và đời sống hiện đại vào thơ như tạm ứng (Nhận ra tôi chỉ gốc cây gạo cụt / Tạm ứng nửa trời hoa trước đón nhau), Kênh hoa sen, cấm vận (Tại bến nu đòng em khép mọng / Kênh hoa sen /mùa cấm vận / môi đèn), ăng - ten (Mái cao thấp/ chiều ngổn ngang tần số/ Đầu ăng - ten/ trời quê ngoại kênh chờ), trung tâm ngoại ngữ (Em trung tâm nào, Ngữ ngoại tim anh), điện toán, chương trình, (Chương trình yêu/ phiếu đục thừa lỗ nhớ). Thậm chí, tác giả không ngại dùng nguyên cả những từ nước ngoài như pastel (Tuổi dậy thì pastel phố lụa), aquarium (Kính biếu trời aquarium phố)…

Lê Đạt cũng rất thích "chơi chữ". Ông không ngại "chơi chữ Tây" đã Việt hóa. Lợi dụng những âm tiết tương tự về cách đọc, sự có nghĩa của âm tiết ta, nhà thơ viết:

- Nắng tạnh heo mày hoa lạnh
Mimôza chiều khép cánh mi môi xa
- Tiếng xắc xô cong đoạn tình mua lụt
Để xô lô buồn khúc ruột xe lô

Kiểu chơi chữ này không mới, cái khó là làm cho sự chơi không gượng. Có lẽ, thần tình hơn cả là chơi chữ ta:
Hay em biến trong gương
một người giống em
trở lại
Má má môi
mà mỗi mỗi xa
(Gương)

Đây là một bài thơ tình. Tác giả sử dụng sự đối xứng gương, để đối lập hình và bóng, gần và xa, còn và mất…

Có thể nói, người ta gặp trong Bóng chữ cả dân gian lẫn hiện đại, cả Đông lẫn Tây, cả nhất thời lẫn vĩnh cửu (vấn đề tuổi thơ, tính dục). Sự đa tạp, dân chủ, "chung sống hòa bình" của những yếu tố dường như trái ngược nhau này, trong một tác phẩm nghệ thuật, hiện nay được gọi là phong cách "hậu hiện đại". Các yếu tố này ở Lê Đạt được gắn kết với nhau ở sự dùng từ một cách đặc biệt ("nhịu nói") trong một cú pháp - đặc biệt ("ngọng nói") để tìm cách phát nghĩa mới, một không gian thẩm mỹ cho thơ.

Bóng chữ, như vậy, không là một không gian thẩm mỹ khác nhau, xếp chồng hoặc bao hàm nhau; đó là một thứ không gian nhiều chiều, không gian cong, phi Euclid. Như một chữ (hình) được chiếu dọi từ nhiều nguồn sáng đặt ở những phương vị khác nhau, tạo ra nhiều bóng đổ vào nhau, lồng vào nhau. Từ đơn nghĩa trở thành đa nghĩa, đơn mạch trở thành đa mạch. Những luồng sáng giao nhau tạo thành sự tán xạ, sự nhoè nghĩa, đôi khi tạo thành mê lộ làm lúng túng những khách tham quan thẩm mỹ vốn quen được hướng dẫn. Điều có lẽ phù hợp hơn với bạn đọc hiện tại thích dân chủ và muốn được làm kẻ đồng sáng tạo với thi nhân.
Hai tiếng “phu chữ” từ khi được Lê Đạt nói ra đã trở thành thông dụng, thành một thứ câu cửa miệng trong giới thơ và cả trong công chúng. Không dễ được như vậy nếu nó không được đảm bảo bằng chính cả cuộc đời lao động nghệ thuật thơ, lao động chữ của ông. Đối với Lê Đạt, cũng như với các thân hữu văn chương của ông là Hoàng Cầm, Trần Dần, Dương Tường, làm thơ là làm chữ, là phải khổ công luyện chữ để bắt những con chữ bình thường, đơn giản với nghĩa tiêu dùng hàng ngày bật ra những nghĩa mới, những vẻ đẹp bất ngờ từ sự tương cận, cọ sát, va chạm của chúng khi đứng cạnh nhau trong một trường liên kết và liên tưởng do chính nhà thơ đưa chúng vào. Từ những bài thơ mang nặng tính hiện thực thời kỳ đầu, trải hơn ba mươi năm âm thầm đọc và học, tìm và thử trong thế giới con chữ Việt, khi hoàn cảnh lịch sử mở cửa cho ông trở lại thi đàn vào thập niên 1980, Lê Đạt đã có vàng luyện từ quặng của mình đem ra trình trước thơ. Người đọc bước vào thơ ông với tâm trạng vừa thích thú, tò mò, vừa e dè, hoang mang. Nhưng có một điều chắc là họ đã được nhận một khoái cảm khác lạ từ những phá cách kết cấu câu chữ đưa lại những kết hợp mới của từ mà người “phu chữ” Lê Đạt đã dày công tìm tòi, thử nghiệm. Này là mùa thu “Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ”. Này là sông quê “nắng mười tám má bờ đê con gái”. Này là mới tuổi “mùa xuân phăn phăn lòng đường”. Này là tỏ tình “liễu đầu cành độc thoại đoạn trường xanh”. Ông có hẳn một kiểu thơ Haik kư, chỉ từng cặp thơ thôi nhưng mỗi lần đọc là đưa lại một khám phá, mỗi lần nhìn con chữ là lại thấy một công phu sáng tạo. Tưởng như ông gò mình vào giới hạn tối thiểu của hai dòng thơ, nhưng đấy là cách ông tự thử thách năng lực thơ của mình thông qua thử thách các khả năng biến hóa, thay đổi của chữ, để trong một diện tích tối thiểu chữ đạt được tối đa năng lượng cảm xúc thơ.

Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu

Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chin
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng

Máy nhắn chim tin tìm mê lộ số
Lòng khác tình tìm đổi số lặng thinh

Thế hệ nhà thơ của Lê Đạt càng cao tuổi càng trẻ, trẻ trong tư duy, cảm xúc, trẻ trong cách sống. Có lẽ cái trẻ ấy của Lê Đạt đến từ tri thức ông thu nhận và tích lũy được qua sách vở tự học và từ những trải nghiệm đường đời nhiều gian truân và khổ nạn.
Bây giờ Lê Đạt, người “phu chữ”, đã nằm xuống, sau “một đời lao lực, một đời thơ”. Những người đọc từ nay chỉ còn gặp ông trong “bóng chữ”, và nghe ông trong “ngó lời”. Và họ biết ơn ông đã làm cho họ biết quý yêu chữ, trân trọng chữ, không chỉ là để làm thơ. Nhưng đặc biệt là nhà thơ, như Lê Đạt: “Nhà thơ là người lao động ở môi trường tâm áp cao mà không có bồi dưỡng độc hại để sản xuất giống đặc chủng cho những mùa tình bội thu”. Đó là niềm kiêu hãnh của Lê Đạt.
Cách tân thơ của Lê Đạt là ở Chữ. Ông có thể mượn câu nói của một nhà thơ Pháp để nói về mình: Hãy đập vào chữ anh dùng, thiên tài là ở đấy! (“Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy” – A. Musset). Khi văn chương là ngôn ngữ, mà thơ lại là sự tập trung xoáy sâu vào ngôn ngữ, và ngôn ngữ hiện hình trên trang giấy bằng chữ, thì sao người làm thơ lại không trăn trở, vần xoay sống chết với chữ để bắt từng con chữ biểu phát ra những ánh chiếu khác lạ về âm sắc, nghĩa lý. Lao động chữ là một thứ lao động khổ sai nhưng tự nguyện, đau đớn nhưng khoái cảm. Lê Đạt không tự gọi mình và không cho gọi mình là thi sĩ. Ông chỉ nhận mình là “phu chữ”. Nội hai chữ này thôi đã nổi lên cái chất Lê Đạt. Sự lắp ghép, kết hợp “phu” và “chữ” đã tạo ra một từ mới, một khái niệm mới, một hình dung mới, biểu đạt được công phu tử vì thơ của người thơ. Nói tới Lê Đạt, vì vậy, trước hết và trên hết, là nói tới một người lao động chữ và nghĩa. Ông đã từng viết như một tuyên ngôn: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ”. Ông quan niệm: Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ / Hẳn phải siêng năng, có lòng thành / và nhất là biết chờ / người đẹp vỏ chữ bước ra / giờ các con phe đi ngủ.
“Bóng chữ” (1994) tập thơ đưa ông tái xuất văn đàn là kết quả của mấy chục năm im lặng đọc, và nghĩ, và viết, vượt lên trên những hệ lụy khó nhọc của đời sống khốn khó vây níu mình. Lê Đạt trở lại đã không tụt hậu, đã vẫn mới, vẫn đủ năng lượng đốt cháy mình cho thơ, vẫn ở hàng đầu những người khổ sai và hạnh phúc vì chữ.

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nổi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao

Mùa thu đã được nói quá nhiều trong thơ ca dân tộc và nhân loại, nhưng bài thơ hay này của Lê Đạt là minh chứng cho một chân lý trong công việc sáng tạo: không có đề tài cũ, chỉ có người thơ không biết làm mới đề tài. Lê Đạt đã sử dụng và sai khiến các con chữ một cách sáng tạo tài tình để đưa tặng người đọc một bức tranh thu tình tứ vừa rất ca dao truyền thống vừa rất tân thời, hiện đại. Có thể tìm được trong tập “Bóng chữ” nhiều câu hay và khác lạ mang đúng “thi hiệu” Lê Đạt như vậy. Sớm hạ búp sen đôi gió / Sóng đòng buồm nhấp nhô thơm / Tóc liễu trường tân thơ cổ / Trời xanh côban rất Đường (Vào hè). Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ / Trang tầm xuân cau chưa mở nụ ngà / Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng rõi / Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà tàu nhả khói ngã ba (Mới tuổi).
Nhân đây cũng nói về sự khó hiểu của thơ Lê Đạt.
Điều đó, như trên đã nói, trước hết là ở tính nhiều chiều của không gian thẩm mỹ còn chưa tạo ra được một lớp người đọc của mình. Người đọc còn quen với thơ tải cảm đơn thuần, thơ phát nghĩa một chiều. Bài thơ như một bình năng lượng có thế năng lớn. Độc giả chỉ việc mở kênh và chờ năng lượng từ bình chảy vào mình. Bóng chữ là thơ gợi ý, gợi cảm, nên người đọc phải tự dấn thân vào kỳ trận chữ. Ở đây, ấn tượng thẩm mỹ là phi hình thể. Hơn nữa, thơ xưa là "dĩ ngôn chí", thơ công cụ, gói gém một tư tưởng, một triết lý, một tôn giáo… Đọc thơ là quá trình vượt qua rào cản ngôn ngữ để đến với những lý tưởng này. Có người, quen với cách đọc trên, bóc mãi các lớp vỏ ngôn từ mà không thấy cái nhân tư tưởng thơ Lê Đạt đâu, nên đã coi như bị nhà thơ đánh lừa. Thực ra, sự hấp dẫn của Bóng chữ không phải ở tư tưởng, triết học, tôn giáo bên ngoài, được chất lên xe tải của chữ.

Ở ngay bên trong mạch điên tử của chữ, mỗi chữ phát nghĩa như một con rệp điện tử. Ở Bóng chữ, ta thấy một nỗ lực cải tiến vật liệu, thay đổi công nghệ chữ.
Hiện nay, người ta đang gia tăng sức bền, độ nhẹ, độ truyền dẫn của vật liệu (tức tạo ra một vật liệu mới) bằng cách phá vỡ cấu trúc và tái cấu trúc tinh thể của vật liệu. Sự phá vỡ ngữ nghĩa tiêu dùng để tạo thành một ngữ nghĩa khác, sự phát nghĩa nhiều chiều, tính bất định của không gian thẩm mỹ mà Lê Đạt theo đuổi phải chăng có thể coi là một tư tưởng, một thẩm mỹ?


C.KẾT LUẬN
Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi lớn của thơ ca nghệ thuật, và càng là đòi hỏi cấp thiết của tuổi trẻ. Tuổi hai mươi phải dũng cảm phá bỏ ràng buộc của những lề quen thói cũ, phải không cam chịu kiếp sống an phận thủ thường làm thui chột mọi khả năng sáng tạo. Những kiếp người sống lâu trăm tuổi / Y như một chiếc bình vôi / Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại. Trong bản hòa tấu những tiếng thơ khao khát làm mới mình, làm mới thơ để dâng hiến cho cuộc đời và đất nước từ giai phẩm mùa xuân 1956, Lê Đạt đã cất tiếng kêu gọi:

Mới! Mới!
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,
Vượt mãi…

Tiếng kêu ấy đã theo ông đi trọn cuộc đời làm người và làm thơ. Bị hoạn nạn, gặp khó khăn, nhưng ông không bao giờ bỏ tiếng kêu ấy lại phía sau. Đó chính là tiếng thơ của Lê Đạt. Ông, cùng với Trần Dần, Đặng Đình Hưng, là ba nhà thơ trong phong trào Nhân Văn cách tân mạnh mẽ, quyết liệt nhất của thơ Việt nửa sau thế kỷ XX.
Chất liệu của văn học là ngôn ngữ.Phân tích văn chương từ tiền đề này là một con đường đúng đắn và tránh được những hiểu lầm quy chụp.Tuỳ từng thể loại, từng nhà văn, và phong cách đặc trưng của họ mà có cách tiếp cận theo những hướng phù hợp. Ở Lê Đạt, người vẫy chữ thăng hoa, mải miết trên hình tuyến ngôn ngữ đã vẽ nên những bóng chữ đọng chân cầu ngàn năm, thì việc áp dụng tiền đề về mối quan hệ trên trục kết hợp của ngôn ngữ để khám phá thơ ông là một cách làm khả dĩ. Đọc thêm!

Ngữ pháp chức năng và ngữ pháp truyền thống

I.DẪN NHẬP
Việc mô tả một cách chính xác cấu trúc cú pháp của một ngôn ngữ là thách thức lớn đối với ngôn ngữ học của nhân loại.Bằng chứng là trong suốt hơn hai ngàn năm qua,kể từ thời Platon,Aristot…ngữ pháp học đã kinh qua rất nhiều những lý thuyết mà dường như tất cả chúng dù đứng riêng rẽ hay gộp lại cũng đều không thể làm hài lòng tất cả những nhà ngôn ngữ học.Sự không hài lòng này không phải do chủ quan của nhà ngôn ngữ mà nằm ở chính bản thân cái tri thức của sự miêu tả ấy.Hay nói cách khác,tính chân lí của những tri thức về ngữ pháp không được đảm bảo.
Đối tượng của ngôn ngữ học là một thực thể khó nắm bắt.Ngôn ngữ nằm ngay trong bản thân con người,và với con người nó dường như không có một khoảng cách nào cả. Đó là một khó khăn.Nhưng cái yêu cầu rằng,nhà ngôn ngữ học phải tách mình ra khỏi đối tượng,quan sát nó như một kẻ lạ mặt lại mới thực sự là một thách thức.Mặt khác,chính tính đa dạng,phức tạp trên tất cả những bình diện ngôn ngữ của hơn 5000 thứ tiếng trên toàn thế giới đã tạo ra một gánh nặng quá lớn,mà cái gánh nặng này nhiều khi hay dẫn đến một sự hiểu lầm nghiêm trọng do những áp đặt và định kiến từ thứ tiếng này cho thứ tiếng khác. Ngữ pháp học cũng không nằm ngoài sự khó khăn này.Sau đây là điểm qua một số những lý thuyết ngôn ngữ (và ngữ pháp) tiêu biểu.(từ lý thuyết được dùng chỉ mang tính tương đối).
Ngữ pháp truyền thống là một tên gọi cho các lý thuyết ngữ pháp giai đoan từ thế kỷ thứ V trước công nguyên xuất phát từ Hi Lạp.Những quan điểm ngữ pháp của giai đoạn này có ảnh hưởng chi phối rất lớn trong suốt hơn hai ngàn năm qua đối với ngôn ngữ học nói chung và ngữ pháp học nói riêng. Đến khi cuốn giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F.D.Saussure ra đời ,năm 1915,ngôn ngữ học thế giới mới thực sự chuyển mình sang một thời đại mới.Dưới ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp của học thuyết về tính hê thống của ngôn ngữ của Saussure ba trường phái ngôn ngữ học lớn của thế giới đã ra đời:trường phái miêu tả Mĩ(hay còn gọi là chủ nghĩa phân bố luận),trường phái cấu trúc chức năng luận Praha,trường phái ngữ vị học Copenhague.Các trường phái này(theo Đỗ Hữu Châu) hiện nay đã thay đổi hoặc bị vượt qua nên được gọi là các trường phái cấu trúc luận cổ điển.
Ngữ pháp tạo sinh cải biến của N.Chomsky ra đời đã làm một cuộc cách mạng thứ hai trong ngôn ngữ học(sau cuộc cách mạng thứ nhất do Saussre tiến hành).Lần đầu tiên cơ chế sản sinh của ngôn ngữ đã được giải thích khá tường tận và thuyết phục: sự sản sinh của ngôn ngữ là vô tận để đáp ứng sự vô tận về các nhu cầu giao tiếp rất khác nhau của xã hội loài người. Và, về bản chất thì ngôn ngữ loài người có rất nhiều điểm chung nhau.Người ta đã hi vọng rất nhiều ở Chomsky,nhưng rồi lý thuyết ngôn ngữ học này cũng nhanh chóng đi vào thời kì bế tắc.Nhu cầu tìm một con đường mới cho ngôn ngữ học nói chung và ngữ pháp học nói riêng lại được đặt ra và ngôn ngữ học chức năng đã ra đời như một xu hướng phát triển tự nhiên.Rất nhiều vấn đề lớn của ngôn ngữ học đã được giải quyết.Ngữ pháp học dường như đã tìm thấy cho mình một hướng đi khả dĩ.
Cuối thế kỉ XX,ngôn ngữ học còn đón nhận sự ra đời của nhiều trào lưu khác như:ngữ pháp văn bản,lí thuyết hành động ngôn từ,ngôn ngữ học tri nhận…Cho tới thập niên 70, đơn vị lớn nhất của ngôn ngữ được các nhà ngôn ngữ học xây dựng là câu. Trong trào lưu của các ngữ pháp hình thức (chẳng hạn ngữ pháp Montague), đã nảy sinh giả thuyết liệu có loại ngữ pháp văn bản, khác với ngữ pháp câu, mà đơn vị lớn nhất là văn bản không? Sự ra đời của ngữ pháp văn bản là một bổ sung quan trọng vào lí thuyết ngôn ngữ học đại cương.Tuy nhiên,theo một số nhà ngôn ngữ,”từ ngữ pháp được dùng ở đây đáng thưởng thức về mặt tu từ nhưng không mấy bổ ích với người hoc”(Cao Xuân Hạo),nghĩa là phủ nhận ngữ pháp ở cấp độ văn bản. Quan tâm đến văn hoá học, tâm lí học, xã hội học, các nhà ngôn ngữ học lưu ý rằng đơn vị tối thiểu của ngôn ngữ không phải là từ', biểu thức hay câu, mà là sự tác động: trần thuật, chất vấn, mệnh lệnh, miêu tả, giải thích, xin lỗi, cảm ơn, chúc mừng…Đó là quan điểm của lí thuyết các hành vi ngôn ngữ.Ngôn ngữ học tri nhận,là một cách tiếp cận mới mẻ và nhiều tiềm năng hứa hẹn.Lí thuyết này mới xuất hiện khoảng hơn hai mươi năm nay. Buổi đầu nó mang tên ngữ pháp không gian (space grammar) mà người khai phá là Ronald W. Langacker. Tâm lí học, triết học cũng nghiên cứu vấn đề về sự tri nhận. Lí thuyết này nghiên cứu cơ chế hiểu lời nói và quá trình của lời nói: con người nắm bắt được ngôn ngữ như thế nào, quá trình điều chỉnh sự tri nhận lời nói như thế nào, một nội dung khái niệm, một hiện tượng được từ ngữ hoá, ngữ pháp hoá ra sao.
Mỗi một lí thuyết ngôn ngữ mới ra đời là một đóng góp to lớn cho sứ mạng hiển ngôn hoá cái đối tượng kì diệu là ngôn ngữ của loài người.Trong khi trình bày lí thuyết ngôn ngữ của mình,các nhà ngôn ngữ học luôn có ý thức so sánh nó với các lí thuyết ngôn ngữ khác,dù có thể chỉ là một cách ẩn mặc.Việc so sánh các lí thuyết ngôn ngữ với nhau để tìm ra sự phát triển, điểm mới mẻ, đồng thời phê phán những sai lạc,trên cơ sở ấy mà ứng dụng những thành tựu của khoa học này vào thực tiễn là một công việc hữu ích.
Ngữ pháp học tiếng Việt, đi cùng với sự phát triển của ngôn ngữ học hế giới cũng phản ánh những kế thừa và đấu tranh này.Những quan điểm ngữ pháp về tiếng Việt cũng có những đối lập gay gắt,tiêu biểu cho sự đối lập này là quan điểm của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng.
II.NỘI DUNG
Ngữ pháp học,như đã trình bày một cách sơ lược nhất,là một bức tranh phong phú.Mỗi lí thuyết là một sự kế thừa ở những mức độ khác các tư tưởng của thời kì trước bên cạnh những phê phán. Điểm khác biệt vì thế mà có thể ít hoặc nhiều.Sự khác biệt khi phát triển lên một giới hạn cao của nó đã đưa đến đối lập,ngữ pháp cấu trúc và ngữ pháp tạo sinh là một ví dụ điển hình.Tuy nhiên,theo Halliday,sự đối lập cơ bản hơn là sự đối lập giữa ngữ pháp mà về cơ bản có thiên hướng mô tả theo ngữ đoạn(nói chung là các sách ngữ pháp có nguồn gốc từ logic)và các sách ngữ pháp mà về cơ bản mô tả theo hệ đối vị(nhìn chung là các sách ngữ pháp có nguồn gốc tu từ hay phép hùng biện và dân tộc học).Loại ngữ pháp thứ nhất giải thích ngôn ngữ như là một danh mục các cấu trúc mà trong chúng,như là một bước khu biệt thứ hai,các mối quan hệ có quy tắc được xác lập(do đó mà có việc giới thiệu các phép chuyển hoá);chúng có xu hướng nhấn mạnh vào các đặc điểm phổ niệm của ngôn ngữ,xem ngữ pháp(mà họ gọi là cú pháp)như là cơ sở của ngôn ngữ(do đó ngữ pháp là võ đoán),và coi ngữ pháp được tổ chức xung quanh đơn vị câu.Loại ngữ pháp sau giải thích ngôn ngữ như là một hệ thống các mối quan hệ,với cấu trúc xuất hiện như là sự hiện thực hoá các mối quan hệ này;chúng có xu hướng nhấn mạnh vào các biến số giữa các ngôn ngữ khác nhau,lấy ngữ nghĩa làm cơ sở(do đó ngữ pháp là tự nhiên) và vì vậy chúng được tổ chức xung quanh ngôn bản hay văn bản.Có rất nhiều sự giao thoa ,với tri thức được hai đường hướng này vay mượn của nhau;nhưng về tư tưởng thì chúng hoàn toàn khác nhau và thường thì người ta rất khó duy trì đối thoại được với nhau (Halliday,dẫn luận ngữ pháp chức năng).Những đặc điểm của loại thứ nhất được phản ánh một cách sâu đậm nhất trong ngữ pháp truyền thống;những đặc điển của loại thứ hai tập trung trong ngữ pháp chức năng.
Ngữ pháp truyền thống không phải là thuật ngữ khoa học hay tên của một lí thuyết ngữ pháp nào.Nó là tên của một giai đoạn tồn tại không chỉ một mà nhiều quan điểm và lí thuyết ngữ pháp. Đó là giai đoạn từ Platon,Aristot…thế kỉ thứ V trước công nguyên đến 1915 khi cuốn giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure ra đời.Và cái tên này dần dần đã được dùng để chỉ những quan điển ngữ pháp thuộc loại thứ nhất mà Halliday đã nêu ra.Trong công trình nhập môn ngôn ngữ học lí thuyết của mình John Lyons đã dùng tên ngữ pháp truyền thống để gọi tất cả ngữ pháp của giai đoan Alexandria, ngữ pháp Hi Lap,ngữ pháp giai đoạn La Mã,giai đoạn trung cổ,thời kì phục hưng và sau đó.Ngày nay người ta dùng ngữ pháp truyền thống như một khái niện chứ không phải đơn thuần là một tên gọi chỉ một giai đoạn nữa.Sở dĩ như vậy là vì,tuy những lí thuyết trong giai đoan truyền thống có nhiều nhưng tất cả chúng đều gặp nhau ở một điểm chung cơ bản và lớn nhất làm thành một đặc trưng tiêu biểu đó là sự đồng nhất ngữ pháp và logic.John Lyons trong công trình vừa dẫn trên đã dành hẳn một mục mà vỏn vẹn chỉ có chưa tới sáu dòng để nói về nguồn gốc triết học của ngữ pháp truyền thống: “ngữ pháp truyền thống cũng như nhiều truyền thống kinh viện khác của chúng ta,xuất phát từ Hi Lạp ở thế kỉ V trước công nguyên. Đối với người Hi Lạp ,ngữ pháp thoạt đầu là một bộ phận của triết học.Nghĩa là nó là một bộ phận trong toàn bộ nghiên cứu của họ về bản chất của thế giới xung quanh họ và của những thiết chế xã hội của riêng họ”.Hẳn là không phải ngẫu nhiên cho một sự thiên vị như thế này.Cái côt lõi làm nên bản chất của ngữ pháp truyền thống chính bởi nguồn gốc triết học của nó.Và gần hơn một chút là logic học.
Logic học là khoa học về các hình thức và các quy luật của tư duy dẫn đến chân lí.Mệnh đề là một đơn vị hay hình thức của tư duy,mỗi mệnh đề là một nhận định nhằm phản ánh một sự thể nào đó của thế giới từ một nhãn giác nhất định,về một đối tượng nhất định và trong một phạm vi nhất định.vì vậy một câu nói bình thường phải phản ánh nội dung của sự nhận định và đối tượng của nó.Aristot đã phân biệt hai phần của một nhận định đó là:nội dung của sự nhận định,hay điều được nói ra,về sau được dịch sang tiếng La Tinh là praedicatum(sở thuyết);phần đối tượng được gọi là onoma,hay hypo-kêimenon (về sau được dịch sang tiếng La Tinh là subjectum,tên,cái được đề ra,tức sở đề).Và từ đó các học giả của các thời đại tiếp theo đã không phân biệt tư duy và ngôn ngữ,dùng các từ trên cho cả logic và ngữ pháp.Một bằng chứng cụ thể là ngày nay tiếng Anh vẫn dung từ subject để chỉ chủ ngữ của câu.Các nhà logic và ngữ pháp hình dung rằng câu phản ánh mệnh đề bằng cái cấu trúc chủ-vị của nó.tức là một cấu trúc tương hợp với cấu trúc của một nhận định.Trong những ngôn ngữ chuyên dùng những phương tiện hình thái học để biểu hiện các quan hệ cú pháp,luôn có một vị từ biểu thị sở thuyết của mệnh đề ở vào một hình thái hữu tận mang những dấu hiệu cho thấy sự phù ứng về một vài đặc trưng về nghĩa đã được ngữ pháp hoá như “ngôi ,sô” giữa nó với một danh ngữ biểu thị chủ đề của một mệnh đề mang một hình thức “cách” nhất định để phân biệt nó với các danh ngữ khác không phải là chủ đề.Nhưng đây là một cách hình dung sai lầm.Trong các ngôn ngữ châu Âu,ta thấy chủ ngữ của câu rất hay trùng với chủ đề của nhận định,nhưng sự trùng hợp này không phải là tất cả.Mặt khác,ngay cả sự trùng hợp này có chiếm một số lượng lớn đến mấy đi nữa thì đó cũng không phải là một hiện tượng có tính quy luật.It rain là một ví dụ như thế.It ở đây hoàn toàn không phải là chủ của rain ,trong khi đó câu trên vẫn là một nhận định.Những ví dụ tương tự như thế trong tiếng Anh ta luôn gặp.Trong các ngôn ngữ biến hình như tiéng Anh,Nga,Phap…mối quan hệ giữa chủ ngữ và vị ngữ chỉ là một mối quan hệ thuần tuý hình thức.Việc tìm ra đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong các thứ tiếng này là rất dễ dàng.Ta chỉ việc quan sát xem danh ngữ và vị từ nào tương hợp với nhau về hình thái là có thể đưa ra kết luận mà không sợ bị nhầm lẫn.
Một mô hình câu thuần tuý hình thức như vậy may ra chỉ phù hợp với các ngôn ngữ biến hình lại được người ta coi là một cấu trúc mang tính phổ niệm cho tất cả ngôn ngữ của nhân loại.Và từ đó mang mang áp dụng cái cấu trúc ấy vào phân tích cú pháp của những ngôn ngữ thuộc nhưng loại hình ngôn ngữ đối lập.Tiếng Việt đã phải chịu cái hậu quả này cho tới tận bây giờ.Theo thống kê,trong tiếng Việt số lượng những câu có thể phân tích theo cấu trúc chủ-vị chỉ chiếm khoảng dưới 15% tổng số câu.Mà có lẽ nếu theo đúng tinh thần của chủ-vị thì sẽ không thể có một câu nào như thế bởi trong tiếng Việt không thể tìm thấy một câu nào có danh ngữ tương hợp với động từ bằng những phương tiện hình thức được đánh dấu cả.Vậy cấu trúc của câu tiếng Việt thuộc mô hình nào?
Ngôn ngữ học sau những cuộc cách mạng của nó dường như vẫn không thể làm tròn cái nhiệm vụ là miêu tả đầy đủ và hiển ngôn tất cả những biểu hiện hình thức của ngôn ngữ.Và chắc chắn rằng không bao giờ ngôn ngữ học có thể làm nổi việc ấy,bởi những biến thể cá nhân của ngôn ngữ là vô cùng tận.Ngôn ngữ học chức năng ra đời với một hướng đi mới,nằm trong khả năng của con người,và có phần hữu ích hơn đó là xuất phát từ mục đích của ngôn ngữ.Ngôn ngữ ra đời là để phục vụ cho mục đích giao tiếp của loài người. Đó là chức năng của nó. Để thục hiện chức năng này ngôn ngữ phải mang trong mình nó một ý nghĩa nào đó.Một câu nói nếu không mang nghĩa thì không bao giờ có thể có một tác dụng giao tiếp nào theo ý muốn của người nói. Để chuyển tải cái ý nghĩa này thì một câu nói phải được cấu trúc như thế nào đó để tương hợp với nó.Ngữ pháp chức năng lấy điểm này làm cơ sở cho mình. “Ngôn ngữ được giải thích như là một hệ thống các ý nghĩa, được kèm theo bởi các hình thức mà qua đó các ý nghĩa được hiện thực hoá”, (Halliday,dẫn luận ngữ pháp chức năng).Câu hỏi thể hiện bản chất của ngữ pháp chức năng là “Các ý nghĩa được diễn đạt như thế nao?” (Halliday).Ngữ pháp chức năng là ngữ pháp được đẩy về phía nghĩa.Nó là một kiểu ngữ pháp dựa trên sự lụa chọn chứ không phải là kiểu ngữ pháp dựa vào chuỗi (theo hệ đối vị chứ không phải theo hệ ngữ đoạn trong tổ chức khái niện của nó).Mối quan hệ giữa ngữ nghĩa và ngữ pháp là mối quan hệ hiên thực hoá.Cao Xuân Hạo trong công trình Tiếng Việt-sơ thảo ngữ pháp chức năng đã nhận định : “Thoạt tiên có những nhu cầu thực tiễn của giao tế xã hội đặt ra cho con người những nhiện vụ trao đổi và thông báo cần được thực hiện bằng những phương tiện ngôn ngữ,nghĩa là bằng những phát ngôn,và công việc của ngôn ngữ học là tìm hiểu xem những nhiệm vụ ấy được thực hiện bằng những phát ngôn nào,xem có những quy tắc gì chi phối việc sử dụng những phát ngôn ấy,và những quy tắc gì chi phối việc cấu tạo những những phát ngôn ấy.”Việc đi ngược trở lại từ mục đích(nghĩa) đến phương tiện để bổ sung cho viêc miêu tả hình thức hoàn toàn phù hợp với quan niệm hiện đại về tính phổ quát của cách tư duy của con người và do đó cũng là của những nội dung ý nghĩa mà ngôn ngữ nào cũng có cách biểu hiện. (CaoXuân Hạo).Vậy chức năng (mục đích,nghĩa) của ngôn ngữ là gi? Theo Halliday, ngôn ngữ có 3 chức năng lớn:
a- Chức năng ý niệm, tư tưởng là chức năng thể hiện các thông tin thuần lí của ngôn ngữ trong thông điệp của giao tiếp ngôn ngữ, truyền đạt những thông tin mới,chia sẻ những nội dung mà người nghe chưa biết.Chức năng này hiện diện trong tất cả các ngôn ngữ. Nghĩa là, các thông tin phản ánh thực tại, các sự kiện xảy ra trong đời sống mà chúng ta muốn giao tiếp.
b- Chức năng liên nhân: nối kết các thành viên trong cộng đồng nói năng lại với nhau thành một khối. Đây là chức năng mà từ 1970 trở lại đây thường được ngôn ngữ học nhắc tới do sự thành công của ngôn ngữ học tộc người và ngôn ngữ học xã hội. Trong một giao tiếp cụ thể, để thực hiện được các ý định giao tiếp của mình, người nói cần thiết phải bộc lộ mình qua ngôn ngữ với một thái độ trung thực. Nghĩa là, người nói phải thể hiện được các đặc điểm về cá nhân, giai tầng xã hội mà mình thuộc về, vùng ngữ vực mà mình và giai cấp mình ưa sử dụng.Chức năng này được thể hiện thông qua hệ thống thức và hệ thống tình thái
Chức năng liên nhân là chức năng mang tính xã hội rõ nhất vì bản chất ngôn ngữ, suy cho cùng, là làm mối dây liên hệ giữa người với người trong một cộng đồng đã được xác định.
c- Chức năng ngôn bản : đây là chức năng mang tính ngữ pháp văn bản rất rõ, các từ không thể rời rạc mà phải nối kết với nhau để tạo thành sức mạnh, đó là sức mạnh của hiệu lực lời nói. Để đạt được hiệu lực này, ngoài vài luật ngữ pháp quy định về các quan hệ cú pháp đặc thù cho một ngôn ngữ thì chúng ta còn phải sử dụng rất nhiều các nhân tố khác nhau để kết liên các từ lại thành một khối.Chức năng ngôn bản đề cập đến việc ngôn ngữ có cơ chế làm cho một bản thuyết trình ở dạng nói hoặc dạng viết thành một văn bản mạch lạc và nhất quán,tạo ra một thông điệp sống động khác với một tập hợp câu văn tuỳ tiện.
Các quan điểm về chức năng của ngôn ngữ được các nhà ngôn ngữ học nêu ra rất phong phú ta có thể kể them quan niệm của G. Brown & G. Yule: Discourse Analysis (Phân tích diễn ngôn).Hai tác giả đã phát biểu một cách đơn giản hơn về các chức năng ngôn ngữ. Nói một cách khái quát thì ngôn ngữ có hai chức năng chính là:
- Transactional function (chức năng liên giao)
- Interactional function (chức năng tương tác)
Ngữ pháp chức năng của Halliday quan niệm rằng câu là nơi cả ba bình diện của nghĩa đều được thực hiện, mỗi chức năng sẽ được thể hiện ra bằng một mô hình cú pháp đặc trưng.Theo đó,chức năng ý niệm,tư tưởng có vị thế tương ứng của cú là:cú như là sự thể hiện, cấu trúc cú pháp của nó là chủ ngữ-thành phần hữu định;chức năng liên nhân-cú như là sự trao đổi có cấu trúc cú pháp của nó là các quá trình,tham thể và chu cảnh ;chức năng ngôn bản-cú như là một thông điệp có cấu trúc cú pháp tương ứng là đề ngữ-thuyết ngữ.Như vậy một câu có thể đồng thời có ba mô hình cấu trúc không tương hợp với nhau về các đơn vị ngôn ngữ trên trục hình tuyến.Ví dụ sau đây được Halliday nêu ra:

This teapot myaunt was given by the duke
Đề ngữ chủ ngữ Hành thể
Các ngôn ngữ trên thế giới,tuỳ theo đặc điểm của mình mà có thể là một ngôn ngữ thiên chủ đề (tiếng Hán,tiếng Việt) hoặc thiên chủ ngữ (tiếng Anh ,tiếng Pháp,tiếng Nga),hoặc có thể nằm ở trung gian của hai loại này ( như tiếng Nhật).
Cái sách lược mà ngôn ngữ sử dụng để thực hiện chức năng giao tiếp của mình là đưa ra một nhận định,tức thực hiện một mệnh đề.Mệnh đề này bằng cái giá trị nghĩa của nó tác động đến người đối thoại theo những hướng nhất định.Với những ngôn ngữ thiên chủ đề như tiếng Việt thì cấu trúc của câu phản ánh nguyên vẹn,chân thực cấu trúc của mệnh đề.Tức một bên là cấu trúc sở đề-sở thuyết một bên là đề ngữ-thuyết ngữ.
Phân tích câu theo hướng của ngữ pháp chức năng là phản ánh đúng thực chất của cấu tạo của câu tiếng Việt.Nó cho phép giải quyết hầu hết những loại câu mà ngữ pháp truyền thống cho là câu đặc biệt,câu sai ngữ pháp,câu đảo trật tự cú pháp và những loại câu không biết xếp vaò hình thức câu nào.
Ngữ pháp truyền thống khi đối mặt với những hiện tượng ngôn ngữ sống động của tiếng Việt đã buộc phải bộc lộ tất cả những bất lực, phi lí và gò ép của nó.Nhưng vì sao ngữ pháp chức năng với tính chân lí khoa học và giá trị thực tiễn như vậy lại không được dùng để miêu tả ngữ pháp tiếng Việt một cách chính thức?Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về xã hội còn có những vấn đề nằm ngay trong bản thân của ngôn ngữ học.Vì chấp nhận cách phân tích cú/câu tiếng Việt theo cấu trúc đề -thuyết nhưng lại loại bỏ hoàn toàn cấu trúc chủ -vị và các chức năng cú pháp truyền thống như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ…ra khỏi hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chưa hẳn là một giải pháp thỏa đáng, đặc biệt khi xem xét vấn đề dưới góc độ loại hình và phổ niệm ngôn ngữ. Bởi vì, thứ nhất, giải pháp này vạch ra một ranh giới quá rạch ròi, thậm chí gần như đối lập giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ được coi là chỉ có chủ đề mà không có chủ ngữ với các ngôn ngữ chỉ có chủ ngữ mà không có chủ đề, một sự đối lập mà ngay cả các tác giả đề xuất phân biệt các loại hình “thiên chủ ngữ” và “thiên chủ đề” cũng chưa nói tới. Thứ hai, nếu xem xét cấu trúc chủ -vị dưới góc độ lí thuyết điển mẫu, có thể thấy rằng có hàng loạt các câu tiếng Việt tương ứng với câu có cấu trúc chủ -vị trong các ngôn ngữ khác, mặc dù giữa chúng có thể khác nhau về hình thức đánh dấu hay trật tự từ, và đó chính là cơ sở cho các nghiên cứu về loại hình học hình thái cách (phân biệt các ngôn ngữ đối cách với các ngôn ngữ khiển cách, tuyệt cách, tam phân hay trung hòa) hay loại hình trật tự từ (phân biệt các ngôn ngữ SVO, SOV, VOS, v.v) mà tiếng Việt không phải là một ngoại lệ về mặt loại hình. Thứ ba, nếu đối lập một cách triệt để cách phân tích cú pháp câu tiếng Việt với câu của các ngôn ngữ khác sẽ tạo ra những khó khăn nhất định về mặt ứng dụng, đặc biệt là trong việc dạy và học ngoại ngữ cũng như dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Từ những vấn đề trên,nhiều tác giả đã đi đến những biện pháp khác nhau nhàm tìm ra một cách giải quyết hợp lí nhất cho phân tích cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt. Vừa tiếp thu lí luận ngôn ngữ học hiện đại và Đông phương học quốc tế vừa không bài xích các khái niệm ngôn ngữ đã được dùng để miêu tả tiếng Việt trước đó, Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp đã cố gắng nêu một giải pháp nhất quán và chặt chẽ về "Thành phần câu tiếng Việt" (1998). Theo giải pháp này, các thành phần câu tiếng Việt được phân xuất và nhận diện trên cả hai bình diện nội dung và hình thức. Giải pháp này cũng cho phép thấy được tính "lập thể", đa chiều kích của câu, phân biệt nòng cốt câu (lõi câu) với các thành phần phụ. Trong một thử nghiệm gần đây nhất, Diệp Quang Ban (2004) đã áp dụng mô hình ngữ pháp chức năng của Halliday (1985) để phân tích câu tiếng Việt theo ba chức năng ( chức năng kinh nghiệm, chức năng liên nhân và chức năng văn bản). Trong công trình này, lần đầu tiên, tác giả đề cập đến vấn đề thức của câu tiếng Việt. Sự phân tích của Diệp Quang Ban về các loại cấu trúc khác nhau của câu tiếng Việt: cấu trúc cú pháp, cấu trúc nghĩa biểu hiện (chức năng biểu hiện), cấu trúc thức (chức năng liên nhân), cấu trúc đề (chức năng văn bản) là một hướng thử ngiệm toàn diện lí thuyết ngữ pháp chức năng của Halliday vào tiếng Việt.Nguyễn Hồng Cổn lại có một cách tiếp cận khác.sau khi phân biệt câu và cú, ông áp dụng cấu trúc cú pháp chủ-vị- cho cú và cấu trúc đề-thuyết cho câu.Những cố gắng này nhìn chung đều muốn dung hoà hai quan điểm về cấu trúc cú pháp câu tiếng Việt.
Việt Nam không thực sự trải qua lí thuyết ngữ pháp “miêu tả”,ngữ pháp “tạo sinh” để thấy hết những bất lực của ngữ pháp hình thức ở trình độ cao nhất của nó.Do đó,ngữ pháp truyền thống,mà thực chất cũng là ngữ pháp hình thức, đã không bị tẩy chay một cách quyết liệt. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc người ta không được chứng kiến một cuộc mang nặng đẻ đau của ngữ pháp chức năng.Ngữ pháp chức năng vì thế mà không được chào đón một cách nồng nhiệt và cũng thấy hết được giá trị của nó.

III.KẾT LUẬN
Tiếng Việt và các ngôn ngữ biến hình của châu Âu thuộc hai loại hình khác nhau,nếu không nói là đối lập nhau.Việc dùng mô hình cấu trúc cú pháp câu của một ngôn ngữ xa lạ đến như thế để gò câu tiếng Việt vào là một điều vô lí.Cái kết cấu chủ-vị chỉ có được ở nhưng ngôn ngữ không bình thường,nơi mà cấu trúc cú pháp không tương ứng với câu trúc của mệnh đề.Các nhà ngôn ngữ học cũng không thể hiểu vì sao ngôn ngữ không dung ngay cái cấu trúc phản ánh cấu trúc mệnh đề để thực hiện một hành động nhận định mà lại chọn một con đường vòng. “khó lòng mà hiểu được một sự hoang phi đến như thế).(Cao Xuân Hạo).Tuy nhiên đó là một sự thật và ngôn ngữ học phải luôn quán triệt quan điển đi từ thực tế ngôn ngữ sinh động của một ngôn ngữ đến những kết luận chứ không phải là dung những tri thức của ngôn ngữ này áp đặt cho ngôn ngữ kia,tiêu biểu như tinh thần “dĩ Âu vi trung” đối với tiếng việt trong suốt lịch sử của khao học về tiếng Việt
Cuộc đấu tranh của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp chức năng có lẽ sẽ không chấp nhận một giải pháp thoả hiệp như vậy.Khi nào những vấn đề còn tồn tại của ngữ pháp chức năng được giải quyết thì nó tất phải có được địa vị xứng đáng cho mình. Đọc thêm!

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA Chesterman

Một sự kiện đáng nhớ gắn liền với sự ra đời của cuốn sách mang tựa đề “phân tích chức năng của ngôn ngữ học đối chiếu” (Contranstive function analysis) năm 1998 của Chesterman, một giáo sư trường đại học Helsinki đã thông minh đặt một cái tên rất phù hợp cho tựa đề cuốn sách của ông. Cuốn sách có nội dung liên quan nhiều đến phương pháp luận, vì vậy tác giả đã kết hợp “phân tích” (analysis) với “chức năng” (functional). Mặt khác, tựa đề sách cũng thể hiện một nghĩa khác về 3 phần riêng biệt đó là “đối chiếu” (contrast), “chức năng” (functional) và “phân tích” (analysis) phản ánh các phần nội dung tương ứng của sách là về lý thuyết, phương pháp luận, và ứng dụng. Tất nhiên chúng ta cũng không bỏ qua yếu tố thứ tư là “thuật tu từ” của tựa đề để nói lên bức tranh khái quát về nội dung của quyển sách này.
Khi nhìn vào năm xuất bản của cuốn sách ta sẽ thấy được đây là một công việc đầy ý nghĩa cho ngành ngôn ngữ học phương Tây, nó có thể là ngẫu nhiên, xét trong vòng 10 năm trở lại đây, còn thời điểm trước đó thì chỉ có: Jespersen (1924) và một loạt bài luận của Whorf vào những năm 1940, Lado (1957), Di Pietro (1971), Carl James (1980), và Krzeszowski (1990). Sau Krzeszowski, Chesterman (1998) đã tạo ra ảnh hưởng lớn và sâu sắc đến nhận thức về luận thuyết của tất cả những nghiên cứu trước đó. Trong 20 năm qua, sự phát triển lý thuyết của ngôn ngữ học đối chiếu nằm trong sự trì trệ. Lado (1957) đã có đóng góp cho sự khởi đầu, Di Pietro (1971) lại rơi nặng nề vào lĩnh vực ngữ pháp cải biến (transformational grammar), Carl James (1980) đưa ra một định hướng không có giải pháp, trong khi Krzeszowski (1990) lại đưa ra một hệ thống phức tạp hơn là tinh tế. Chesterman (1998) đã không đưa ra một luận thuyết ngay từ đầu mà là những minh họa rõ nét và sinh động về các vấn đề của lý thuyết một cách toàn diện và sâu sắc, đã hoàn thiện quá trình phát triển của CA trong 50 năm qua. Những đóng góp chính của ông bao gồm:
1. Những thảo luận mang tính triết học về các khái niệm cơ bản quan trọng trong đối chiếu như “sự giống nhau” (similarity), “sự tương tự” (equivalent) và “nghĩa” (meaning), .v.v.v
Cuốn sách bắt đầu với những đánh giá sâu sắc và đầy thách thức về sự giống nhau như là một yếu tố cơ bản trong nghiên cứu đối chiếu và dịch thuật. Sự giống nhau là một khái niệm không rõ ràng nhưng lại có được nhiều sự chấp nhận. Trước đó chưa có ai đề xuất ý kiến về việc phân loại khái niệm này. Dựa trên những nghiên cứu ngắn gọn của các nhà tâm lý học ( như Sovran 1992, Tversky 1977, Goofman 1972, Medin và Goldstone 1995, …), Chesterman đã đưa ra kết luận về khái niệm sự giống nhau được hình thành như là cơ sở nhận thức không chỉ cho các ngành học mà còn cho nghiên cứu của ông. Đưa ra những dẫn luận mới cho khái niệm cũ đã đặt các nghiên cứu về đối chiếu lên “bước chân kinh nghiệm”, Chesterman đã thành công khi thắp lên trong người đọc sự tư duy đầy cảm hứng. Cách giải thích và kết hợp của ông được trình bày sơ lược như sau:
Là một khái niệm khó, sự giống nhau không chỉ gắn liền với thế giới các vấn đề vật lý hay logic, hoặc thậm chí vấn đề của xã hội, mà còn cả sự nhận thức (Chesterman 1998:6-7). Có 2 khía cạnh của sự giống nhau là: “sự giống nhau là ta” (similarity-as-trigger) (mang tính mục đích, đạt được sự nhận thức từ tư duy đến vấn đề). Tuy nhiên bất cứ sự định lượng hay đánh giá nào về sự giống nhau đều là các cách tổ chức và làm rõ sự vật hiện tượng của thế giới phản ánh trong ý thức mỗi người. Trong nghiên cứu của Medin và Goldstone cho rằng sự giống nhau hàm ý về sự liên tưởng liên tiếp, ví dụ khi chúng ta nói A giống với B thì thực ra chúng ta có ý rằng “A giống với B về một khía cạnh C theo bởi khi so sánh với D, lại liên quan đến một E tiêu chuẩn nào đó được lập ra trên sự thay đổi bởi một cái F chức năng nào đó hướng tới một cái G mục đích nào đó; Chesterman đã rút ra những giá trị quan trọng mang tính lý thuyết cho ngôn ngữ học đối chiếu và dịch thuật, xây dựng một nội dung rõ ràng về mức độ giống nhau đã bị xao lãng quá nhiều trước đây. Mô phỏng qua việc phân tích mối liên hệ điển thể-cá thể (type-token) của Sovran, Chesterman phân ra 2 loại giống nhau: loại phân ly (di chuyển từ điển thể đến cá thể) và hội tụ (di chuyển từ cá thể đến điển thể). Ông giải thích rằng các thuyết về dịch thuật hình thành cách sử dụng khái niệm phân ly, trong khi các phân tích đối chiếu sử dụng khái niệm hội tụ. Sự giống nhau có nguồn gốc từ sự liên tưởng, nó liên quan chặt chẽ với sự tri giác và nhận thức, và năng lực nhận thức sự giống nhau bị hạn chế bởi trí tưởng tượng của con người. Điều này đặc biệt đúng với quá trình dịch thuật.
2. Các nghiên cứu về đối chiếu và dịch thuật được liên kết với các cơ sở lý thuyết trong thời kỳ đầu.
Trong các nghiên cứu đối chiếu trước kia, dịch thuật chủ yếu là để khái niệm về sự tương đồng được sử dụng như là “cột sống” của sự phân tích đối chiếu, và việc phân tích đối chiếu có thể hỗ trợ cho việc dịch thuật. Hartmann (1980) đã đi tiên phong trong việc kiểm tra tính ứng dụng của văn bản học đối chiếu để chống lại sự phức tạp trong dịch thuật, dịch thuật văn học và văn học so sánh. Nhưng qua Chesterman, một nhà đối chiếu học và lý luận dịch thuật, chúng ta đã hiểu được điều về một giá trị lý thuyết liền mạch trong các nghành học liên quan về dịch thuật và ngôn ngữ học đối chiếu. Sự dung hợp đến một cách tự nhiên từ một nguyên nhân chung: cả lý thuyết dịch thuật và phân tích đối chiếu đã giải quyết được sự giống nhau và khác nhau trong ngôn ngữ và ứng xử ngôn ngữ. Như đã biết từ trước, mục tiêu của lý thuyết dịch thuật tập trung vào loại giống nhau hội tụ. “Tính đơn điệu” khái niệm trong cả 2 lĩnh vực này có thể kết hợp với khái niệm đa dạng về “sự tương đồng”, dẫn đến sự khác biệt về khái niệm trong đối chiếu. Bắt cặp dịch thuật với phân tích đối chiếu đã thay đổi hướng đi một chiều từ CA đến ngôn ngữ thứ hai đã cho thấy CA đã tự do phát triển trong phạm vi nhận thức và ứng dụng rộng lớn.
3. ví dụ về cách gọi đầu tiên và hiện tượng của ứng xử ngôn ngữ như điểm xuất pháp trong phương pháp luận nghiên cứu đối chiếu.
Độc giả Trung Quốc Đại Lục, theo truyền thống luôn đánh giá cao hiện tượng ngôn ngữ, có thể làm ngạc nhiên ở cách xưng hô này từ khi họ may mắn có được Lũ Shuxiang làm người đặt nền tảng cho nghiên cứu đối chiếu ở Trung Quốc, người sẽ không làm giảm đi các giá trị ngôn ngữ ban đầu. Tuy nhiên ở phương Tây, mặc dù Jespersen đã biện hộ cho phươn pháp nghiên cứu I-O (1924: 346), Whorf cũng yêu cầu “việc sử dụng quan điểm toàn cầu về các hiện tượng ngôn ngữ”, tạo ra các khái niệm không mới không cũ (Whorf 1937: 87), ngôn ngữ học đối chiếu truyền thống từ năm 1950 quay trở lại mô hình ban đầu hoặc một turtium comparationis. Để minh họa, điểm khởi đầu của James là cấu trúc bề mặt, cấu trúc chiều sâu và sự tương đồng trong dịch thuật (1980: 168-78); trong khi theo Krzeszowski thì có 7 loại turtia comparationis hình thành dựa trên sự tương đồng về cú pháp và kí tự (1990: 15-34), và Wierzbicka là người đưa ra các yếu tố phổ niệm ngữ nghĩa và tiền ngữ nghĩa. Chesterman đã đúc rút từ những điều trên, bao gồm các khái niệm về turtia comparationis có ảnh hưởng không nhiều lên lĩnh vực này. Ông cho rằng quan điểm này gặp vòng luẩn quẩn là một vài loại tương đồng lại được thừa nhận ở phần đầu sau đó lại xuất hiện ở phần kết luận. (Chesterman 1998: 52, 59). Vì vậy ông đề xuất việc sử dụng các phát ngôn hoặc các ví dụ về cách sử dụng ngôn ngữ như nguồn cơ sở dữ liệu. Bây giờ chúng ta có thể thấy sức nặng của các ý tưởng được đề xuất trong lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ học đối chiếu ở phương Tây. Trước Chesterman, có lẽ chỉ có Mary Snell-Hornby, một nhà dịch thuật và ngôn ngữ học người Đức đã kế thừa các kinh nghiệm trong nghiên cứu của bà. Bà đã định nghĩa cuốn sách “Tính miêu tả của động từ trong tiếng Đức và tiếng Anh” (Verb-descriptivity in German and English) năm 1983 gói gọn trong các từ sau: “nghiên cứu này dựa trên việc quan sát ngôn ngữ trực tiếp và không dựa trên các đành giá mang tính lý thuyết về ngôn ngữ khác; nói cách khác thay việc áp dụng lý luận sẵn có cho ngôn ngữ này, ta cần đi từ những nghiên cứu thực nghiệm đến các khái niệm mang tính lý thuyết” (Snell Hornby 1983: 13). Thật đáng tiếc, điều này bị các nhà lý luận đánh giá không đầy đủ trong ngành này.
Để hỗ trợ cho định hướng mang tính kinh nghiệm, Chesterman đã lấy ý kiến từ Brunot (1992), Jespersen (1924) và Mustajoki (1993, 1995) để lột tả ‘chức năng’ như sự biểu hiện của nghĩa và định hướng chức năng là một yếu tố thiết yếu để ‘đi từ nghĩa đến cấu tạo’ (Chesterman 1998:1). Trong một cách thức cụ thể hơn, ông chỉ ra rằng ‘ngữ pháp chức năng là không sản sinh, nó không liên quan đến quá trình này, trong khi nghĩa có thể mã hóa thành cấu trúc, hoặc thiết lập thuật toán để thực hiện việc này. Đúng hơn là, nó quan tâm đến việc làm rõ các lựa chọn có sẵn là các hệ đối vị có thể sắp xếp tự do trong giới hạn của ngữ pháp ở tất cả các thể loại, từ cú pháp, từ vựng, cấu tạo từ đến ngữ điệu’. Phương pháp đối chiếu này mang ý nghĩa thời đại theo cách đó nó có thể quay về với ý nghĩa truyền thống của Jespersen và Whorf. Để phương pháp ngôn ngữ này mở rộng, đề xuất này với chủ nghĩa kinh nghiệm của nó cũng mang tính cách mạng sẽ tái tạo và thay đổi toàn bộ hoàn cảnh tư duy bị chi phối bởi phương pháp diễn dịch trong truyền thống của Chomsky.
4. phương pháp luận CFA: phương thức đối chiếu hữu hiệu
Chúng ta thực hiện một phép đối chiếu như thế nào? Trên thực tế các bước tiếp theo là gì? Nghe có vẻ như là những điều sơ đẳng mà tất cả các nhà đối chiếu học sẽ giải thích trọn vẹn. Trường hợp này không như vậy, James sử dụng thuật toán gồm 4 bước: (1) tập hợp các dữ liệu, (2) thiết lập sự mô tả, (3) bổ sung dữ liệu nếu cần, (4) thiết lập các phép đối chiếu (1980: 63). Sự đối chiếu bắt đầu và kết thúc ở bước 4. Các mô hình sau của Halliday, Krzeszowski xây dựng gồm 3 bước, hình thành nghiên cứu về đối chiếu cổ điển: (1) Mô tả, (2) quan hệ đẳng kết không chứa liên từ, (3) so sánh (1990: 35). Ông đã đề xuất một cách thức mới cho nghiên cứu thực dụng của đối chiếu trực tiếp (1990: 101) mà cho đến nay không còn hữu dụng.
I. một thiết chế về văn hóa – xã hội của m (Cm) trong một ngôn ngữ I (CmLi), sẽ có hay không một thiết chế văn hóa – xã hội tương ứng n (Cn) trong ngôn ngữ j (CnLj)? Nếu câu trả lời là “không”, thì lưu ý sự đố chiếu văn hóa – xã hội. Nếu câu trả lời là “có”:
II. có hay không một cấu trúc ngôn ngữ (Fq) trong Lj (FqLj) cái mà ban đầu được kết hợp với CnLj theo cùng một cách, ở đó FpLi được kết hợp với CmLi? Nếu câu trả lời là “không”, lưu ý sự đối chiếu thực dụng. Nếu câu trả lời là “có”:
III. có hay không FqLj một dạng tương đồng về ký tự và cú pháp với FpLi? Nếu câu trả lời là “không”, bỏ qua việc phân tích. Nếu câu trả lời là “có”, thực hiện nghiên cứu đối chiếu về ký tự và cú pháp cho đến khi bạn phát hiện được sự đối chiếu ở một vài mức độ phân tích.
Tách khỏi sự phức tạp của ký hiệu, nó không đưa ra các phương thức cụ thể để tìm sự đối chiếu, nhưng lại thuận lợi cho bước tiếp theo nếu cần xác định một “sự tương đồng”. Rõ ràng Chesterman phải thử thách sự luẩn quẩn trong mệnh đề tương đương.
Chesterman liệt kê các đề xuất của ông về phương pháp phân tích chức năng đối chiếu tổng quát như sau (Chesterman 1998: 54):
1. dữ liệu cơ sở: các ví dụ về ứng xử ngôn ngữ trong các ngôn ngữ khác nhau.
2. các tiêu chuẩn so sánh: một sự giống nhau được nhận thức, của bất kỳ loại nào, giữa một hoàn cảnh X trong ngôn ngữ A và một hoàn cảnh Y trong ngôn ngữ B. Để phân tích đối chiếu, tiêu chuẩn này sau đó được dùng để xác định trong các thuật ngữ của một chế định về sự giống nhau được biểu hiện.
3. vấn đề: nguồn gốc tự nhiên của sự giống nhau này là gì?
4. giả thuyết ban đầu: X và Y có giống hệt nhau
5. Kiểm tra: dựa vào các dẫn chứng hỗ trợ hoặc bị loại bỏ nào trong giả thuyết ban đầu? Trong điều kiện nào của nó ?
6. Giả thuyết củng cố (nếu giả thuyết ban đầu sai): rằng mối quan hệ giữa X và Y có sánh đôi; hay là cách sử dụng X và Y phụ thuộc vào điều kiện tương ứng.
7. Kiểm tra giả thuyết này
Và lặp lại…
Chesterman nhấn mạnh rằng:”…niềm tin rõ ràng vào Phân tích Đối chiếu rằng khi thực hiện một phép phân tích thì vấn đề được giải quyết không giống như tôi nghĩ: kết quả từ việc phân tích không nhiều hơn một giả thuyết hay” (1998: 60).
Khi lướt qua, nó là một cấu trúc mộc mạc mà Chesterman đề xuất. Một ý tưởng đơn giản. Thật sự là không dễ dàng đi một quãng đường dài sau 40 năm đầy sự rối rắm của các hệ thống đa dạng từ khi cấu trúc luận đi vào “bức tranh” này. Là một quá trình khó khăn để đánh giá lại các thiết lập có sẵn bởi “sự giống nhau” hơn là “sự tương đồng” hoặc tertia comparationis. Hơn nữa, khuôn mẫu này không có sự ứng dụng và sự chỉnh sửa từ một lý thuyết nào đó, nó là một giả định mới và sự khái quát hóa được rút ra từ các yếu tố ngôn ngữ. Không phải là ngạc nhiên nếu các phát hiện và các thuyết mới được ra đời và vì vậy chúng ta phải, như lời của Whorf “các khái niệm khung không cũ hơn hay mới hơn, và tạo ra các điều kiện cần thiết cho thuật ngữ học” (Whorf 1937: 87). Chúng ta thấy được trong phát hiện mới này hình thành một chuyên ngành độc lập của ngôn ngữ học đối chiếu.
5. hòa hợp tính tương đối và tính phổ quát của ngôn ngữ
Sự tương phản lớn nhất trong nghiên cứu đối chiếu, một cái có thể sự trái ngược trong của tính tương đối và tính phổ quát của ngôn ngữ. Đề xuất về ngôn ngữ học đối chiếu, theo Whorf, cũng chính là đề xuất về tính tương đối của ngôn ngữ. Thuyết hỗ trợ đầu tiên của, cấu trúc luận, mặc dù không mang nguyên lý về tính tương đối sâu sắc như của Whorf, nhưng quả thật nó đã chứng minh cho sự cần thiết của CA, duy trì ngôn ngữ và văn hóa đó khác biệt với các cái khác. Sự mâu thuẫn thực sự xuất hiện khi tác phẩm cấu trúc cú pháp (syntactic structure) của Noam Chomsky được xuất bản trong cùng năm 1957 với tác phẩm ngôn ngữ học qua các nền văn hóa (Linguistics across cultures) nói chung đã giữ một vị thế trang trọng trong ngôn ngữ học đối chiếu, nó gạt bỏ hoàn toàn vòng luẩn quẩn của ngôn ngữ. Ngữ pháp cải biến đã chi phối nước Mỹ và các thuyết ngôn ngữ khác ở Tây Âu bởi quan điểm tính phổ biến của ngôn ngữ học. Nó đánh vào quan điểm này rằng tất cả các ngôn ngữ đều giống nhau về cấu trúc chiều sâu và vì vậy kiến thức của một ngôn ngữ thứ hai có thể được suy ngẫm từ “ngôn ngữ mẹ đẻ” quen thuộc, làm giảm sự cần thiết CA trong việc học ngoại ngữ (Krzeszowski 1990: 7-8; Preston 1975). Đối mặt với sự đe dọa của một ngành học đang mất đi, các nhà đối chiếu học thực sự rơi vào một tính thế khó khăn: trong khi họ kiên trì theo hướng này, họ không thích ý kiến về việc về chức năng bởi một quan điểm ngôn ngữ “lỗi thời”. Điều này chứng minh cho sự chấp nhận “cấu trúc chiều sâu” từ quan điểm phổ biến của ngôn ngữ như tertia compationis, và sau đó sự vay mượn cái khái niệm “cải biến” và “sinh sản” để quá trình đối chiếu trở thành quá trình cải biến từ cấu trúc chiều sâu đến cấu trúc bề mặt. Sự kém cỏi dai dẳng đi từ thời của Di Pietro (1971) đến James (1980), đến Krzeszowski (1990). Nó không phù hợp về lý thuyết và ứng dụng ở phương Tây, xuất hiện từ nhan đề gốc rễ sâu xa của ngôn ngữ học đối chiếu như là “nàng Lọ Lem của ngôn ngữ”. Đây là sự thật để phủ nhận địa vị của Whorf trong lĩnh vực ngôn ngữ học đối chiếu và đến bây giờ thì đã rõ ràng vì sao CA lại hạn chế chính bản thân mình khỏi lĩnh vực ứng dụng và không chiến đấu với các trường phái tư duy khác vì sự phát triển của ngôn ngữ.
Trong sự trân trọng rằng Chesterman đã chứng minh được một cách khác thường: đấu tranh lại các quan điểm ngôn ngữ đầy mâu thuẫn trước đó và cố gắng dung hòa triệt để sự đối lập. Đầu tiên Chesterman tổng hợp các tư tưởng khác nhau dựa trên giả thuyết cơ bản và phổ quát – rằng tất cả ngôn ngữ loài người đều mang một cấu trúc chung phổ biến – qua mức độ như là sự trang trọng, ngữ nghĩa và tính nhận thức (Chesterman 1998: 48). Đây là một bước tiến xa so với cách nhìn đơn thuần vào cấu trúc sâu về sự trang trọng và về ngữ nghĩa. Tiếp theo, Chesterman cho rằng cho đến nay giả thuyết về tính tương đối của ngôn ngữ chính bản thân nó là tương đối, sử dụng các luận điểm sắc xảo và ấn tượng như “sự đánh giá” để diễn tả ảnh hưởng của ngôn ngữ lên tư duy là không cần thiết. Ông đã ví ảnh hưởng này với những điều mà nhà triết học người Đức Popper gọi là “sự kiểm soát mềm dẻo” (plastic control). Cuối cùng, ông bỏ qua cuộc tranh luận tay đôi vô bổ giữa hai trường phái về khái niệm sự giống nhau. Sự giống nhau, là tính phổ quát chính thức nguồn gốc ẩn dấu trong ngữ pháp ở tất cả ngôn ngữ của loài người, kêu gọi các nhà phổ quát luận do sự thiết lập của các định chế về sự giống nhau, ít nhất là từ lập trường tâm lý trong nhận thức. Các định chế này xác định điều mà ngôn ngữ nói sẽ được giải thích cặn kẽ là giống với một ngôn ngữ nói khác giữ vai trò cơ sở cho sự khái quát hóa. Tuy nhiên, nơi mà ngôn ngữ được quan tâm, thì nó sẽ không bao giờ có thể đạt đến sự chính xác về nghĩa – rằng nó không giống nhau mà cũng không khác nhau hoàn toàn – và vì vậy nó sẽ không dẫn đến việc thừa nhận một cơ sở chung đồng nhất. Điều này nói lên rằng, thực tế chúng ta đang nhìn vào mức độ bao trùm. Đây là nơi tính tương đối được thiết lập. Và sự vận hành của CA thực sự không phải là các dẫn chứng về sự giống nhau hay sự đồng nhất nhưng là sự so sánh nguyên mẫu – những cái là đặc trưng văn hóa và vì vậy nhìn chung là có tính chia sẻ – và thấy được mức độ mà chúng bao phủ. Quả thật Chesterman đã tạo một vị thế to lớn với những thành tựu về tính tương đối và tính phổ quát của ngôn ngữ.
Những đột phá vượt qua CA truyền thống mà ông đạt được, James đã đề xuất 2 định hướng: chiều dọc (văn bản) và chiều ngang (phân tích diễn ngôn). Chesterman đã tóm tắt luận thuyết của mình theo 2 hướng: chuyển động hướng nội (hướng vào sự nhận thức để đi vào ý thức của người sử dụng ngôn ngữ) và chuyển động hướng ngoại (hướng đến tính thực dụng), dành nhiều sự quan tâm vào chuyển động hướng nội có được giá trị về lý thuyết lớn hơn. Chúng ta đã thấy được cách thức mà có sở lý thuyết từ CA đạt được trong nhiều năm qua: trong thời kỳ đầu, cấu trúc luận, thời đại của Di Pietro, ngôn ngữ học tạo sinh cải biến; trong thời đại của Carl James, ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học tâm lý; trong thời kỳ của Krzeszowski, nghĩa học sản sinh; và dẫn đầu là Chesterman, tách khỏi ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học nhận thức giữ một vai trò quan trọng. Chúng ta lưu ý rằng với Chomsky yêu cầu trong lĩnh vực nhận thức, có hai trường phái tư tưởng và Chesterman lấy cảm hứng từ nhà sinh học thần kinh nổi tiếng, Gernald Edelman (1992), dành giải Nobel sinh học năm 1972. Ông chỉ ra rằng Edelman rất quan trọng đối với những nhà chủ nghĩa hình thức (formalist) định hướng của Chomsky, không tin rằng có booj phận tiên quyết ngôn ngữ nào đó nằm sẵn trong đầu. Ý nghĩa của chính nó là tương tác, được quyết định từng phần bởi môi trường và cộng đồng giao tiếp, và bởi bản thân người nói. Nhưng nghiên cứu của Edelman hỗ trợ cho quan điểm của Lakoff, Langacker và những người khác trong ngữ pháp nhận thức; và Rosch và cộng sự trong thuyết về nguyên mẫu - vật khởi đầu.
6. phá bỏ rào cản để hình thành một mô hình phân tích chức năng đối chiếu rất tinh tế đến ngày nay.
Ngành học này trong thời gian dài đã bị phân chia bởi nhiều lĩnh vực phụ cụ thể quá nhiều để mỗi lĩnh vực tập trung vào khu vực riêng của mình, cho thấy rất ít hoặc không có sự quan tâm vào những điều mà lĩnh vực khác thực hiện. Các nghiên cứu về quan điểm vi mô không liên quan đến tầm nhìn vĩ mô và ngược lại; các nghiên cứu về cú pháp biết rất ít về văn bản và chúng cụ thể hóa trong ngữ pháp văn bản mà không bao gồm phân tích diễn ngôn. Trong khi James là công cụ hướng dẫn sự phát triển trong đánh giá vĩ mô, không có đề xuất cụ thể được lập ra. Mô hình đối chiếu trên văn bản của Enkvist có thể đã được đổi mới nhiều hơn và các dụng pháp đối chiếu của Olesky đáng lẽ đa sáng tạo hơn. Krzeszowski dường như đã tạo các mô hình mẫu hoành tráng hơn, nhưng cách trình bày văn bản và dụng pháp của ông ít hiệu quả hơn. Connor đã bổ sung cho thiếu sót đó, nhưng thuật tu từ đối chiếu rõ ràng là nằm ngoài xu hướng nghiên cứu CA. cho đến khi Chesterman (1998), các nghiên cứu đối chiếu không bị phân ra nhiều phần. Chesterman đặt tất cả các phần đó vào khuôn khổ phân tích chức năng của ông và chương cuối nói về thuật tu từ thực tế là bao gồm cả ngôn ngữ học văn bản và dụng pháp, chủ yếu bởi vì ông đã định nghĩa văn bản là một cấu trúc viết và dụng pháp là cấu trúc động từ liên quan.
Mô hình của Chesterman tạo ra sự khác biệt theo nhiều cách. Bắt đầu với nghĩa, mẫu này phù hợp trong muc tiêu và cơ sở của lý thuyết, định nghĩa theo nhiều cách khác nhau được diễn đạt ở tất cả các mức độ và tiêu chuẩn tương ứng. Mẫu này cũng phù hợp trong việc phân loại ngôn ngữ của nó ở nhiều mức độ khác nhau bao gồm cú pháp, văn bản, và dụng pháp hoặc trong thuật ngữ của ông, cấu trúc, cấu trúc vĩ mô và cấu trúc tương tác (interstructure). Đi từ cú pháp đến văn bản thể hiện sự mở rộng theo chiều dọc, trong khi đi từ văn bản đến dụng pháp, sự mở rộng chiều ngang, để tạp thành cấu trúc vĩ mô và cấu trúc tương tác. Chesterman đã rất thông minh khi tiếp thu những điều hay nhất từ phát hiện nghiên cứu hiện có. Khuôn khổ mô hình phân tích của ông được lấy từ Mustajoki; ngôn ngữ học văn bản được lấy từ Enkvist (1984), Egon Werlich (1976), Beaugrande và Dressler (1981), Halliday và Hasan (1976), Martin (1992) và Connor (1996); dụng pháp lấy từ Mey (1993), Stubbs (1983), Sperber và Wilson (1986), Brown và Levinson (1988), cũng như Gutt (1991). Nó quá ấn tượng là Chesterman đã thông minh kết hợp rất nhiều tư tưởng vào khuôn khổ của ông. Tất nhiên là kết quả quá vĩ đại, mới mẻ và giải pháp hiệu quả.
1.3.3.5 sự phát triển lập trường ngôn ngữ học đối chiếu của Whorf
Bước sang chương này, chúng ta không nên bỏ qua việc đánh giá cách thức mà quan điểm ngôn ngữ học đối chiếu của Whorf hình thành và phát triển trong nghiên cứu hiện đại. Benjamin Lee Whorf không chỉ đặt cho ngôn ngữ học đối chiếu một cái tên,mà còn vạch ra con đường phát triển của nó , tuy nhiên những thành tựu của ông đã bị phủ nhận trong gần nửa thế kỷ qua. Chỉ rất ít người biết đến công việc này của Whorf như Chesterman .Khi thuật ngữ đối chiếu đem lại sự công bằng cho Whorf ,thậm chí sau khi ông không được công nhận là một người tài năng trong lĩnh vực này. Tại sao không ? Có lẽ chúng ta có thể đưa ra một số lí do :
1. Các chu kỳ trong tư tưởng ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học đối chiếu phát triển vào thời điểm mà Chomsky đang tạo ra một cuộc cách mạng từ thuyết của ông .các lý thuyết ngôn ngữ học trong tiểu thuyết, cụ thể là ngữ pháp phổ biến đã rơi vào tình trạng bế tắc với giả thuyết tính tương đối trong ngôn ngữ học của Whorf. Các nhà đối chiếu học đã sợ bị nhạo báng và đã từ bỏ các xung hướng phát triển mới của ngôn ngữ học, phải buộc mình vào các quan điểm cổ hủ.
2. Vị thế tự thân của ngôn ngữ học đối chiếu . Như chúng ta biết có rất nhiều các thuật ngữ khác nhau về thuật ngữ ngôn ngữ đối chiếu :” Ngôn ngữ học đối chiếu”, ”Phân tích đối chiếu” ,”Nghiên cứu đối chiếu” (Xu Yulong 2002: 17),và một số thuật ngữ khác như là :Ngôn ngữ học miêu tả so sánh, sự mâu thuẫn của ngôn ngữ (Fisiak 1980: 1 ), cũng như ngữ pháp đối chiếu. Nhiều tác giả thích dùng thuật ngữ : Phân tích đối chiếu bao gồm James và Chesterman. Còn đối với Robert Kaplan, ông thích dùng thuật ngữ “Thuật tu từ đối chiếu hơn thuật ngữ “lý thuyết tu từ đối chiếu” ( Kaplan 2001: vii). Đây là bằng chứng về vị trí trong ngôn ngữ học ứng dụng, để nghĩ nó như là một ngành khoa học ứng dụng phục vụ cho nhu cầu dạy học ngôn ngữ thứ hai. Mặc dù nó cũng được đặt tên là “ngôn ngữ học đối chiếu lý thuyết”, thì mục đích của nó chỉ đơn giản là nghiên cứu một khía cạnh cụ thể hoặc một mô hình cụ thể đáp ứng nhu cầu phân tích cụ thể nào đó. Còn bản thân nó, nghiên cứu về lý luận ngôn ngữ học sẽ không bao giờ là mục đích của ngôn ngữ học đối chiếu. Vì lý do này, hầu hết các học giả đều e ngại tránh xa lý luận ngôn ngữ học trong khi lý luận ngôn ngữ không mang vai trò nghiên cứu đối chiếu.
3. Sự cụ thể hóa trong nghiên cứu ngôn ngữ. Trong truyền thống học thuật phương Tây là cần có sự phân loại chi tiết về lĩnh vự nghiên cứu này. Mỗi lĩnh vực đều bị giới hạn trong biên giới của nó. Khi một lĩnh vực xuất hiện, ngành nghiên cứu có liên quan có điểm chung, nhưng khi chúng được thành lập như các ngành học cụ thể, sự xâm phạm biên giới sẽ bị kìm hãm. Những tiền đề như thế sẽ tạo ra một ngành học hơn là làm mới lại nội dung dưới một khuôn khổ cũ. Ví dụ, khi sự thống nhất được hình thành bao gồm giả thuyết của Whorf trong ngôn ngữ học nhân chủng học, ngôn ngữ học đối chiếu không bao giờ vượt khỏi giới hạn của nó. Để đạt được sự phát triển trong giả thuyết của Whorf, nó sẽ hữu ích hơn khi nhìn sang miền đất ngôn ngữ học đối chiếu “trong sạch”.
Thực tế là, giả thuyết về tính tương đối ngôn ngữ học của Whorf không thể tách rời quan điểm của ông về ngôn ngữ đối chiếu. Hai khía cạnh này đan kết vào nhau chặt chẽ. Để hiểu được điều này, chúng ta phải quay ngược thời gian về quá khứ. Giả thuyết của Whorf ra đời trong bối cảnh cao trào của nhân chủng học ngôn ngữ ở Mỹ khi có rất nhiều ngành khoa học kinh nghiệm về rất nhiều ngôn ngữ thuộc hoàn toàn các họ ngôn ngữ khác nhau, từ họ ngôn ngữ Anh hoặc Âu-Ấn như ngôn ngữ Ấn Độ. Thể hiện trong làn sóng ngành khoa học này, Franz Boas (1991), Edward Sapir (1949) và Whorf đã nhận ra sự bất hợp lý trong ngôn ngữ học so sánh trước đó có thể ứng dụng trước hết váo ngôn ngữ của các họ ngôn ngữ giống nhau để phù hợp với mục đích mới trong nghiên cứu. Các yếu tố nghiên cứu mới là cha đẻ của các thuyết ngôn ngữ mới. Giả thuyết của Whorf-Sapir đã nổi lên một cách khá tự nhiên như là kết quả của nhu cầu để đối chiếu (các ngôn ngữ không liên quan) hơn là so sánh (ngôn ngữ có liên quan). Tính tương đối của ngôn ngữ chỉ có ý nghĩa trong ngữ cảnh các ngôn ngữ đối chiếu khác xa nhau. Nếu không, nó sẽ bị loại khỏi ngữ cảnh (context). Bây giờ đã rõ ràng rằng Whorf đã có lí do để đặt tên ngôn ngữ đối chiếu và xác định nhiệm vụ của nó, điều mà đối với Whorf và nhiều người khác sẽ là một ngành học tìm kiếm sự đối chiếu trong các thuật ngữ ngôn ngữ và văn hóa để lột tả sự tự nhiên của ngôn ngữ loài người. Sự phát triển trong lịch sử đã chứng sự lệch lạc trong khoảng nửa thế kỷ. Hy vọng rằng với cách gọi của Chesterman về phương hướng hướng nội, ngành học này sẽ có cơ hội quay về con đường cội nguồn bởi Whorf. Trong nhấn mạnh này, những tiến bộ đáng kể trong ngành học này ở phương Tây sẽ phải lấy cảm hứng từ tư tưởng lý luận của Whorf.
Trong thời gian dài, từ cuối những năm 1950, ngữ pháp phổ quát đã có ảnh hưởng vượt trội trong tất cả các tư duy. Chủ nghĩa hình thức đi trong con đường này, trong khi giả thuyết của Whorf nhấn mạnh nghĩa, đặc điểm ngôn ngữ và đặc điểm văn hóa đã ẩn náu. Một sự thay đổi đã được chứng kiến ở những năm 1970: sự thống trị của tư tưởng của Chomsky. Các chủ đề này làm lộ diện ý nghĩa đã được ngầm kết luận của ngôn ngữ học và tâm lý học, và các yếu tố văn hóa xã hội khác. Nhiều nhánh phụ trong nghiên cưus ngôn ngữ học xuất hiện. Sẽ chắc chắn để kết luận rằng phương hướng hình thức và những dẫn chứng về xu hướng ngữ pháp phổ quát để loại bỏ giả thuyết của Whorf. Nói cách khác, bất cứ sự liên quan nào đến các khía cạnh tâm lý học, xã hội, văn hóa của ngôn ngữ sẽ chịu ảnh hưởng, nhiều hoặc ít bời giả thuyết của Whorf. Wierzbicka đặt nó vào một nhan đề khác: đối với Humboldt và Karl Vossler (1994), nó là “linh hồn của ngôn ngữ” và sự biểu hiện của tính dân tộc (ngôn ngữ là sự diễn đạt của Volksgeist); đối với Sapir (1921) và Whorf (1956), nó được đặt một thuật ngữ là “ngôn ngữ là sự hướng dẫn đến thực tế xã hội”, đối với Dell Hymes (1961), “phong cách nhận thức” và bản thân Wierzbicka gọi nó là dụng pháp văn hóa ngang hàng. Tất cả chúng là giống nhau. Từ những năm 1970, các ý kiến của Whorf được cấu thành từ các lĩnh vực sau ở nhiều mức độ. Đọc thêm!

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Đề xuất mới về cách phân chia giai tầng trong xã hội Việt Nam đương thời

Phần tóm tắt hay đầu bài đăng Phần còn lại. <Đây là bài học vỡ lòng với bất kì ai muốn làm khoa học. Nhưng kết quả về sự phân chia xã hôi - giai cấp ở trên đã vi phạm nghiêm trọng tiêu chí này. Chúng ta không thể nói, người Việt Nam bao gồm ba loại: đàn ông, đàn bà và những người thần kinh. Chúng ta cũng không thể nói: Người Việt Nam có bốn loại người nông dân, người thị dân, người trí thức và người khuyết tật. Một sự phân chia như thế chỉ có trong những chuyện hài! Quay lại với kết quả “mà chúng” ta đã chấp nhận như một tiên đề hiển nhiên đúng, không cần phải chứng minh hay giải thích gì trên kia, không khó khăn gì để nhận ra sự “khập khiễng” về mặt tiêu chí. Ít nhất đã có ba tiêu chí được sự dụng đồng thời để cho ra một kết quả bao gồm: tư sản, nông dân, công nhân, trí thức. Nếu với giai cấp Tư sản người ta đã sử dụng tiêu chí “ sở hữu tài sản” thì với nông dân và công nhân người ta lại sử dụng tiêu chí “nghề nghiệp”, còn ở “tầng lớp” trí thức thì tiêu chí về trí tuệ ( hay học vấn) được áp dụng. Một kết quả phân loại mà sử dụng cùng lúc ba tiêu chí hoàn toàn khác nhau! Đây là điều không thể chấp nhận. Ở Việt Nam người ta còn gọi giai cấp công nhân là giai cấp vô sản. Nếu lấy tên gọi này thì chúng ta sẽ có một sự sắp xếp mới như sau: Giai cấp tư sản và vô sản cùng sử dụng một tiêu chí – tiêu chí “sở hữu tài sản”, nông dân là sử dụng tiêu chí “nghề nghiệp” còn tiêu chí được sử dụng với trí thức thì vẫn giữ nguyên. Nhưng dù có gọi giai cấp công nhân là gì đi nữa thì ở đây nguyên tắc về thống nhất tiêu chí vẫn bị vi phạm như cũ. Đó là chưa nói nếu đã sử dụng tiêu chí “sở hữu tài sản” thì dứt khoát công nhân và nông dân phải nằm trong một nhóm. Không có lí gì mà chỉ gọi công nhân là vô sản trong khi đó nông dân, thậm chí còn nghèo hơn, lại không được xếp vàp đây. Có một điều cần phải nhắc lại rằng ở vấn đề công nhân và nông dân, người ta đã máy móc bê từ những nước phương tây xa lạ về và dùng nó mà không hề nghĩ đến thực tế ở nước mình. Đến đây đủ để thấy, vì mục đích chính trị người ta đã bất chấp những chân lí, những nguyên tắc cơ bản nhất và bất chấp thực tế xã hội Việt Nam, đè cổ những từ ấy ra mà gọi một cách cẩu thả nhất. Nếu biện minh rằng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự sống còn của đất nước nên các bậc tiền bối của cách mạng Việt Nam buộc phải làm thế thì cũng không thể thuyết phục được bởi một lẽ - làm như thế chẳng có ích gì cho chủ trương đoàn kết toàn dân, chung tay dương cao ngọn cò giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chủ trương như thế. Xuyên suốt tư tưởng của người vẫn là ĐẠI ĐOÀN KẾT. Quay lại với nguyên tắc thống nhất tiêu chí. Nếu dựa vào tiêu chí về sở hữu tài sản ta có thể chia: tư sản ( hay đúng hơn phải là hữu sản) và vô sản. Nếu căn cứ tiêu chí nghề nghiệp ta có thể chia: công nhân, nông dân, thương nhân, giáo viên, nhà thơ, hoạ sỹ…( tóm lại là rất nhiều). Đến đây có người sẽ hỏi: vậy há chẳng phải cơ cấu xã hội – giai cấp trùng với cơ cấu xã hôi- nghề nghiêp ư? Vấn đề chính là ở đó. Một sự phân chia không minh bạch, lẫn lộn, rối rắm và thậm chí còn có hại cho đoàn kết dân tộc như thế thử hỏi có nên tồn tại? Trước sự bất hợp lí trong sử dụng tiêu chí phân tầng giai cấp ở Việt Nam như vừa phân tích, người viết căn cứ trên một tiêu chí khác, có sức bao trùm lớn hơn đồng thời dựa vào tình hình thực tế xã hội của đất nước xin được trình bày cụ thể như sau. Tiêu chí được sử dụng là: có quyền lực chính trị / không có quyền lực chính trị ( hay nói cách khác: có chân trong bộ máy công quyền / không có chân trong bộ máy công quyền). Ở đây quyền lực chính trị hay bộ máy công quyền là xét một cách triệt để, thống nhất và toàn diện từ trung ương xuống đến thôn xã. Căn cứ trên tiêu chí này có thể phân chia xã hội – giai cấp việt nam thành hai giai cấp sau đây. Giai cấp nắm chính quyền và giai cấp không nắm chính quyền. Vì sao có sự phân biệt này? Ơ Việt Nam, mâu thuẫn giữa hai giai cấp này ngày càng gay gắt, đi đến đối lập về quyền lợi trên tất cả các mặt. Nghiêm trọng hơn, giai cấp nắm chính quyền còn mâu thuẫn với lợi ích của cả dân tộc, đi ngược lại lợi ích của tuyệt đại đa số nhân dân. Tình trạng đang diễn ra trên đất nước Việt Nam là một thảm cảnh bi thương. Lương của một trưởng thôn chỉ trên dưới hai trăm nghìn đồng/tháng nhưng ở khắp nơi người ta tranh nhau làm, thậm chí đấu đá, bài bác, công kích và không ngại dùng mọi thủ đoạn để được “trúng cử”. Vì sao thế? Bởi một lẽ đơn giản: trưởng thôn vẫn có thể tham nhũng, vẫn có thể ăn của dân. Tại một xã thuộc huyện Tĩnh Gia - Thanh Hoá, hai năm trước người dân nô nức hưởng ứng bê tông hoá đường làng. Không ai là không đồng lòng. Nhưng đến khi phổ biến kế hoạch, người dân mới kêu trời: tiền giao thông đóng suốt mười năm qua đi đâu?! Không ai biết cả. Cán bộ thôn nói đã “nộp lên” nhưng lên đâu thì chỉ trời và ông ta biết. Và người dân vẫn làm bằng cách đóng góp lại từ đầu. Mười năm qua coi như “ xí xoá”. Dân mình kể cũng hiền quá, hiền quá hoá khờ! Cách đây vài tháng, người viết bài này được một ông cụ cho xem cái hoá đơn thanh toán các khoản thu liên quan tới đất và dịch vụ nông nghiệp. Biên lai thu tiền có hai mặt ( tất nhiên rồi! ), nhưng thật kì lạ, mặt trước được in đường hoàng gồm tên các khoản thu có kẻ ô ngay ngắn chỉ việc ghi số liệu vào là xong nhưng không thể hiểu vì sao ông trưởng thôn lại lãng phí cái mặt giấy in ấy để lật ra phía sau viết một dãy số ở đấy, điều khó hiểu hơn nữa là chúng chỉ độc nhất dãy số ấy, không hề có thêm thông tin gì khác. Chẳng ai có thể đoán ra được mỗi con số ấy tương ứng với khoản nào trong phiếu thu. Mà cũng lạ thật, ông cụ vẫn nộp tiền rồi khi về nhà mới than thở “không hiểu…”. Dân mình hiền quá hoá khờ! Cũng ở xã ấy, cách đây khoảng hai năm người ta đồn đại rằng: có một người ăn cả tạ thuốc chuột cùng với hàng tấn nilon mà vẫn không chết hay bị…táo bón! Ông ta là chủ tịch xã. Hỏi thật hư mới biết thì ra nhà nước (huyện) cho nông dân thuốc chuột và nilon để trồng lạc thế mà ông chủ tịch xã ngang nhiên bày bán giữa uỷ ban. Đến khi lạc đã ra củ thi chuyện vỡ lỡ nhưng…chẳng thấy ai đến bắt ông chủ tịch. Ông ấy vẫn hiên ngang làm chủ tịch, hiên ngang quát tháo và doạ nạt người dân. Trường của các em học sinh đang tọa giữa trung tâm xã thì ông chủ tịch quyết định cho dời ra cánh đồng, cả trường cấp một và cấp hai. Ngôi trường cũ hoang phế cả năm trời cho đến khi người ta quyết định dùng nó làm trường mầm non. Con em trong xã ở độ tuổi mẫu giáo không nhiều, chỉ dùng hết vài ba phòng, số còn lại vẫn bỏ hoang…cho đến khi người ta phá nó. Và thay bằng nhà bỏ hoang là khu đất bỏ hoang. Ông chủ tịch vẫn chưa dừng lại, ông quyết định cho xây tượng đài liệt sỹ, quy hoặch lại chợ, làm mương, làm đường… Hàng loạt khu đất sản xuất nông nghiệp bị đưa ra bán làm đất ở. Đất được bán ở khắp nơi và ở nơi nào ông cũng có một miếng cho riêng mình. Chuyện lại vỡ lỡ…vì ăn chia không đều trong uỷ ban. Thì ra ông “ vẽ ” ra bao nhiêu công trình là nhằm ăn của dân của nước. Một kết luận chính xác của cơ quan điều tra đã được đưa ra – ông tham ô trên một tỉ đồng! một ông chủ tịch xã mà đã có thể “ lấy” được chừng đó tiền của công thì thử hỏi những ông quan lớn ở trên kia họ còn đi tới đâu nữa? Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả. Sau khi bị kỉ luật cách chức và khai trừ khỏi đảng chừng hai tháng lại thấy ông có mặt trên uỷ ban trong một cương vị mới. Giờ lương ông cao nhất xã! Người dân nói ông nằm trong đường dây của ông Thông, chủ tịch huyện. chẳng phải thế mà suýt nữa ông đã lên huyện làm nếu người dân và những kẻ không được ăn chia đâm đơn kiện. Thì ra thế, không trách gì tất cả đều vô sự. Sau một thời gian ngắn người dân trong xã rộ lên tin ông chủ tịch huyện sắp hết đời vì những vụ hối lộ, tham nhũng, bê bối đất đai ở Nghi Sơn và các xã lân cận. Báo và đài địa phương đưa tin liên tục về vụ việc. Một thời gian nữa thấy lắng dần rồi đùng một cái người ta nghe tin ông chủ tịch đang sắp lên tỉnh làm. Hiện nay hia khách sạn lớn nhất thị trấn là của ông chủ Lê Minh Thông. Liệu ông ta có được đề bạt lên trung ương? Tình hình đất nước ta với tham nhũng lan tran, cửa quyền khắp nơi không một ngõ ngắch nào là không thấy nhan nhản. Những kẻ đứng chân trong chính quyền thì sống xa hoa phè phỡn, giầu có lên một cách nhanh chóng trong sự đói khổ, và trì trệ về mọi mặt của người dân. Có lẽ tôi không cần phải dẫn ra đây những ví dụ cụ thể nữa vì trên báo chí nhất là báo mạng người ta sẽ chỉ cần vào google và gõ “ tham nhũng việt nam” thì sẽ có hàng vạn kết quả được tìm ra, tha hồ mà đọc và đau khổ. Đến đây nhiều người sẽ hỏi: vậy những nhà doanh nghiệp thì sao? Họ đâu có nghèo khổ? Ừ cái này đúng. Nhiều nhà tư bản VN rất giầu. Nhưng một điều chắc chắn rằng họ không bao giờ được ( và dần dần là “ muốn ” được ) làm ăn trong một môi trường lành mạnh. Những người làm ăn chân chính có thể trở thành kẻ đưa hối lộ và dần dần nhúng chân vào làm ăn phi pháp một cách toàn diện. Guồng máy của cơ chế này không cho người ta được quyền làm người. Một điều này nữa cũng quan trọng không kém, thậm chí còn to lớn hơn - những người đó có bao giờ được mở mồm ra nói? Thời gian gần đây người dân trong nước đã được nghe được những tiếng nói của những người trí thức, không những thế mà còn rất mạnh mẽ và lan rộng nhanh chóng nhưng còn những nhà tư bản thì sao? Không ai lên tiếng cả. Họ đâu dám nói vì nếu nói thì có thể táng gia bại sản. cơ chế đã biến họ thành những kẻ hèn nhát. Mà rốt cuộc, họ cũng chỉ là nạn nhân của cơ chế mà thôi. Sống mà không dám nói, không được nói thì còn khổ hơn chết. Tất cả người dân VN dù thuộc thành phần nào thì cũng bị siết dưới sự độc đoán, chuyên quyền của những kẻ nằm trong bộ máy huỷ diệt khổng lồ. Tình cảnh nhân dân Việt Nam thế nào? Xin thưa rằng, họ bị tước không những đất đai, tiền của mà cả quyền được nói cũng bị cướp mất. Người dân ngồi lên xe máy là chuẩn bị sẵn trăm hơn trăm kém bỏ riêng sang một túi để phòng khi gặp giao thông. Một chiếc xe khách đi từ Đồng Nai ra Huế, mới tới Đà Nẵng bà chủ xe đã thở dài “ hai triệu công an rồi chú ạ”. Trong bệnh viện, người ta nhận tiền của bệnh nhân ngay dưới tấm bảng to tướng có dòng chữ trang trọng LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU. Hai đứa bạn đi học xa nhà, một đứa học Hồng Đức, thằng kia học ở thủ đô: -Trường mày đóng tiến chống trượt tốt nghiệp bao nhiêu? - Một triệu rưỡi. – Sao rẻ thế! Trường Công nghiệp HN của tao bốn triệu…”. Thầy giáo ra giá ngay trên lớp, thang giá sẽ căn cứ vào thang điểm và tuỳ vào đó là bài kiểm tra điều kiện hay thi học phần… Cơ chế đã giết chết nền giáo dục, giết chết tính người và nhân phẩm người thầy. Sẽ không thể kể ra đây hết những hủ bại và đau khổ trong tất cả các ngành, các đơn vi, các vùng miền bởi đó là một tham vọng quá lớn. Nó lớn đến nỗi nếu ai đó muốn dành cả đời chỉ để ghi lại một cách sơ lược nhất tất cả những sai trái, hủ bại thì ngay lập tức người đó sẽ bị cho là không bình thường về thần kinh hay ít nhất cũng là mắc chứng “vĩ cuồng”. Những gì vừa nói qua chỉ mới là những vấn đề “nội bộ”. An nguy của dân tộc đang bị đe doạ, quốc gia đang đứng trước thế tồn-vong trong dã tâm của Trung Quốc. Những người “đứng mũi chịu sào đang làm gì để cứu dân tộc? Không chỉ im lặng về HS, TS; không chỉ “quay đi không nói” với ải Nam Quan, thác Bản Dốc mà những người nắm giữ mạng sống của nhân dân, sự nhục vinh của dân tộc còn rước Trung Quốc vào, đào sân, đào vườn nhà ta lên mà lấy quặng. Rồi, chắc chắn đến một ngày không xa chúng sẽ dọn vào nhà và đưởi ta ra đường như trong một câu chuyện đã kể. Tình hình trên đất nước ta, giai cấp nắm chính quyền sống ra sao, giai cấp không nắm chính quyền đang trải qua những gì có lẽ không còn là những “ câu hỏi” nữa. Sự thật đang phơi bày ngay nhãn tiền. Đến đây xin được kết luận vài nét sơ lược như sau: Căn cứ vào tiêu chí có chân trong chính quyền/không có chân trong chính quyền ( hoặc tương tự ), có thể phân chia cơ cấu xã hội-giai cấp VN đương thời thành hai giai cấp - THỐNG TRỊ VÀ BỊ TRỊ.> Đọc thêm!